Vietstock - Nhà đầu tư kỳ vọng Fed giữ lãi suất đến năm 2023
Trong cuộc khảo sát đầu tiên của CNBC kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố chiến lược chính sách tiền tệ mới, những người tham gia gia khảo sát dự báo sẽ không có đợt nâng lãi suất cho đến năm 2023.
Kết quả trên là tín hiệu đầu tiên cho thấy chiến lược mới của Fed (cho phép lạm phát vượt 2% trong một khoảng thời gian) đã có tác động tức thì tới triển vọng lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Hiện các thành phần tham gia khảo sát dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 2/2023, sớm hơn 6 tháng so với dự báo hồi tháng 7/2020. Kết quả này được đưa ra giữa lúc xuất hiện nhiều cái nhìn tích cực về đà hồi phục kinh tế.
“Việc Fed chấp nhận mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt hơn cho phép họ toàn quyền quyết định lạm phát vượt 2% khoảng bao nhiêu và bao lâu. Theo tôi, lãi suất sẽ ở mức thấp trong vài năm”, John Ryding, Cố vấn kinh tế trưởng tại Brean Capital, nhận định.
Fed đã khởi động cuộc họp chính sách từ ngày thứ Ba (15/09 – giờ Mỹ).
Trong cuộc khảo sát này, CNBC thăm dò ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý quỹ và chiến lược gia. Trong 37 chuyên gia tham gia khảo sát, phần lớn tin rằng Fed vẫn sẽ ngồi yên nếu lạm phát vượt mục tiêu 2%. 48% cho biết Fed sẽ để lạm phát vượt mục tiêu 2% trong khoảng 6 tháng cho tới 1 năm mà không nâng lãi suất, trong khi 41% tin rằng Fed sẽ cho phép lạm phát vượt mục tiêu trong 1 năm hoặc dài hơn.
Lạm phát có tăng đến mức nào?
Khi được hỏi lạm phát có thể ở mức nào trong giai đoạn 6 tháng trước khi Fed nâng lãi suất, mức trung bình của các câu trả lời là 3.2%.
“Tỷ lệ thất nghiệp thấp không còn được xem là một yếu tố chi phối lạm phát, nhưng chúng tôi cũng không biết đâu là yếu tố nên quan sát tại thời điểm này”, Lynn Reaser, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Đại học Point Loma Nazarene, cho hay.
Một vài chuyên gia lo ngại lạm phát có thể tăng mạnh và sớm hơn Fed dự báo. 65% cho rằng động thái của Quốc hội Mỹ và Fed có thể thúc đẩy lạm phát tăng mạnh, tăng từ mức 44% trong cuộc khảo sát hồi tháng 7/2020.
“Phải chăng mọi người đã quên một điều là các chính sách tiền tệ có độ trễ rất lớn và tác động của các chính sách sử dụng trong năm nay có khả năng gây tác động đáng kể đến năm 2021?”, Jim Paulsen, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Leuthold Group, cho hay.
Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, nói thêm: “Hiện thị trường lại bàn tán xôn xao về những gì Fed có thể làm thêm cho thị trường. Thay vào đó, tôi muốn nghe những suy nghĩ của Fed về chuyện đảo ngược các chính sách bất thường này khi chúng ta có vắc-xin ngừa Covid-19”.
Suy thoái đã qua?
Trong cuộc khảo sát lần này, các chuyên gia kinh tế nâng triển vọng về kinh tế Mỹ. Chỉ hơn 50% tin rằng suy thoái đã chấm dứt hồi tháng 5/2020. Trong khi đó, 47% chuyên gia tin rằng suy thoái chưa chấm dứt và họ dự báo suy thoái sẽ chấm dứt vào tháng 4/2021 (tính trung bình các câu trả lời).
Nhìn chung, dự báo về kinh tế đã cải thiện phần nào, trong đó GDP Mỹ được dự báo giảm 2.6% trong năm nay, từ ước tính giảm 4.5% hồi tháng 7/2020.
Tính cả thảy, 69% chuyên gia cho rằng đà hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn suy nghĩ ban đầu.
“Kinh tế Mỹ hồi phục nhanh chóng hơn và sớm hơn dự báo trước đó”, Stephen Stanley, Trưởng bộ phận kinh tế tại Amherst Pierpont Securities, nhận định. “Tăng trưởng GDP thực, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đã hồi phục sớm hơn dự kiến”.
* Fed thay đổi chiến lược chính sách, dọn đường cho kỷ nguyên lãi suất thấp kéo dài
* Bloomberg: 5 điểm đáng chú ý từ bài phát biểu của Chủ tịch Fed
Vũ Hạo (Theo CNBC)