Vietstock - Nasdaq Composite sụt 3%, Dow Jones mất hơn 300 điểm sau dữ liệu lạm phát
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Tư (11/5), xóa sạch đà tăng trước đó khi nhà đầu tư tiếp tục xem xét dữ liệu lạm phát Mỹ mới nhất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones rớt 326.63 điểm (tương đương 1.02%) xuống 31,834.11 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 1.65% xuống 3,935.18 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite mất 3.18% còn 11,364.24 điểm.
Trong phiên, S&P 500 đã chạm mức thấp nhất trong 52 tuần là 3,928.82 điểm. Chỉ số này cũng khép phiên tại mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. S&P 500 đã sụt hơn 18% so với mức đỉnh 52 tuần và lao dốc hơn 17% kể từ đầu năm 2022.
Nhóm cổ phiếu công nghệ đỏ lửa trong ngày thứ Tư, xóa sạch mức tăng của Nasdaq Composite. Cổ phiếu Meta Platforms, Apple (NASDAQ:AAPL), Salesforce và Microsoft (NASDAQ:MSFT) lần lượt giảm 4.5%, 5.2%, 3.5% và 3.3%, khi nhà đầu tư tiếp tục rút khỏi các lĩnh vực tăng trưởng. Lĩnh vực công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng không thiết yếu đều sụt hơn 3%, khiến chỉ số S&P 500 chìm trong sắc đỏ.
Trong khi đó, Visa và Merck (NYSE:MRK) là những mã tăng mạnh nhất thuộc Dow Jones. Trong khi hầu hết các lĩnh vực đều suy giảm, lĩnh vục năng lượng tăng 1.4%. Tiện ích cũng giữ được sắc xanh, khép phiên tăng 0.8%, còn lĩnh vực nguyên vật liệu đóng cửa gần như đi ngang.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ trong tháng 4 vọt 8.3%, cao hơn so với dự báo tăng 8.1% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Mức lạm phát vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm là 8.5%, ghi nhận vào tháng 3/2022.
Chỉ số CPI cốt lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, vọt 6.2%, cao hơn so với dự báo tăng 6%. Trên cơ sở định kỳ mỗi tháng, chỉ số CPI tiến 0.3% và chỉ số CPI cốt lõi tăng 0.6%. Nó báo hiệu rằng lạm phát có thể đạt đỉnh nhưng áp lực giá có thể sẽ còn tiếp tục.
Một số chuyên gia phân tích xem dữ liệu lạm phát như một dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phản ứng chậm hơn trong việc kiềm chế lạm phát, điều này có thể gây áp lực lên ngân hàng trung ương để hành động mạnh mẽ hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tích tắc lại vượt mốc 3% nhưng giảm sau đó và khép phiên ở mức 2.93%.
Cố vấn kinh tế hàng đầu Mohamed El-Erian của Allianz cho rằng phản ứng tiêu cực ban đầu của thị trường đối với dữ liệu lạm phát là “hoàn toàn có thể hiểu được”, tuy nhiên, khi lạm phát tiếp tục tăng, Mỹ đang trên bờ vực của “cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”.
An Trần (Theo CNBC)