Vietstock - Mỹ đấu giá SVB thất bại
Cuộc đấu giá SVB đầu tiên đã không tìm được người mua. Các cơ quan quản lý Mỹ đang lên kế hoạch đấu giá lần 2 đối với nhà băng vừa sụp đổ này.
Trước khi sụp đổ, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg. |
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, các cơ quan quản lý Mỹ đang lên kế hoạch đấu giá Silicon Valley Bank (SVB) lần 2, sau khi không tìm được người mua vào tuần trước.
Hôm 13/3, nói với các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Thượng viện, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) khẳng định họ có thể linh hoạt hơn khi bán SVB sau khi giới chức Mỹ tuyên bố vụ sụp đổ của nhà băng này là một mối đe dọa với hệ thống tài chính.
Với tuyên bố này, các cơ quan quản lý có thể linh hoạt hơn trong việc hoàn trả cho tất cả khách hàng đã gửi tiền ở SVB, kể cả những người gửi hơn mức được bảo hiểm thông thường là 250.000 USD.
Các cơ quan quản lý cũng có thể đưa ra những thỏa thuận có lợi cho bên mua, chẳng hạn thỏa thuận chia sẻ thiệt hại.
Không ngân hàng lớn nào của Mỹ tham gia cuộc đấu giá hôm 12/3. Nhưng đã có một lời đề nghị mua dù bị FDIC từ chối. Vẫn chưa rõ cuộc đấu giá thứ 2 sẽ được diễn ra vào thời điểm nào.
Mới đây, giám đốc điều hành mới của Silicon Valley Bridge Bank - do giới chức liên bang thành lập để quản lý tiền gửi và tài sản của SVB - đã kêu gọi khách hàng gửi lại tiền vào ngân hàng.
"Nếu bạn, công ty bạn hay danh mục đầu tư của công ty đã chuyển tiền khỏi SVB trong tuần qua, xin hãy cân nhắc gửi một phần tiền trở lại, như một phần của chiến lược đa dạng hóa tiền gửi an toàn. Chúng tôi cũng chào đón bất cứ vị khách mới nào", ông khẳng định.
Ông Tim Mayopoulos đã thay thế cựu CEO Greg Becker sau sự sụp đổ của SVB. "Chúng tôi đang tích cực mở mới tài khoản ở mọi quy mô và thực hiện các khoản vay mới", ông khẳng định.
Ông khẳng định các khách hàng gửi tiền hoàn toàn có quyền truy cập vào tài khoản của mình và được bảo vệ bởi FDIC.
"Chúng tôi biết vài ngày qua là khoảng thời gian rất khó khăn. Chúng tôi trân trọng sự kiên nhẫn của các vị", ông nói thêm.
SVB tham gia hoạt động kinh doanh cho vay tương tự hầu hết ngân hàng khác. Họ vay ngắn hạn từ khách gửi và đầu tư dài hạn vào các tài sản như trái phiếu và cấp tín dụng cho doanh nghiệp.
Lợi nhuận của họ là phần chênh lệch giữa lãi vay và lãi gửi. Không may là các công ty khởi nghiệp công nghệ chiếm phần lớn trong số khách hàng của SVB.
Trong thời kỳ đại dịch, các startup công nghệ được rót vốn kỷ lục. Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, tính đến tháng 3/2021, tổng tiền gửi của SVB đã tăng vọt từ 62 tỷ USD trong 12 tháng trước đó lên 124 tỷ USD. Để so sánh, mức tăng của JPMorgan và First Republic Bank lần lượt là 24% và 36,5%.
Nhưng khi lãi suất tăng lên và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, các khách hàng khát vốn của SVB bắt đầu rút tiền, buộc nhà băng này phải bán chứng khoán để đảm bảo tính thanh khoản.
Cuộc đấu giá SVB lần đầu tiên không tìm được người mua. Ảnh: Bloomberg. |
Hơn nữa, lãi suất tăng lên cũng kéo tụt các khoản nắm giữ của ngân hàng này. Tính đến cuối năm ngoái, khoản lỗ theo thị giá của SVB đối với những chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn đã vượt quá 15 tỷ USD, gần như bằng toàn bộ vốn chủ sở hữu 16,2 tỷ USD.
Với sự cố vấn của Goldman Sachs (NYSE:GS) Group, SVB quyết định bán lỗ khoản đầu tư và huy động thêm 2,25 tỷ USD. Động thái này kích hoạt làn sóng tháo chạy vốn khiến ngân hàng sụp đổ chớp nhoáng.
Các cơ quan quản lý Mỹ đã nhanh chóng vào cuộc. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ đang gấp rút chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố hệ thống ngân hàng và đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu rút tiền của khách hàng.
Còn FDIC đang chạy đua để bán tài sản của SVB và hoàn trả phần tiền gửi không được bảo hiểm cho các khách hàng. Hôm 13/3, hàng dài người đã xếp hàng trước các chi nhánh của ngân hàng để rút tiền.
Thảo My