Vietstock - Moderna bán vaccine Covid-19 giá đắt đỏ
Với giá 37 USD một mũi tiêm, vaccine mRNA-1273 của Moderna được đánh giá là “rất đắt”, cản trở tiếp cận tiêm chủng, đặc biệt đối với các nước nghèo.
So với đối thủ Pfizer (19,5 USD một mũi tiêm), vaccine mRNA-1273 của Moderna giá đắt gần gấp đôi. Trong khi đó, giá dự kiến cho một mũi tiêm vaccine của hãng dược phẩm và sinh học AstraZeneca, trụ sở tại Anh, là 3-4 USD.
Cái giá vaccine mà Moderna đưa ra khiến các chuyên gia y tế công cộng lo ngại, có thể gây khó khăn đáng kể trong các cuộc đàm phán.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá thuốc hoặc vaccine, bao gồm thời gian điều chế, năng lực sản xuất, quá trình đệ đơn phê duyệt, nhu cầu y tế, sự hiệu quả và sức cạnh tranh. Đại diện Moderna cho biết giá vaccine cao đột biến là do quy mô và thời gian của các đơn hàng. Giá này sẽ được áp dụng đối với Mỹ và một số quốc gia thu nhập cao mà công ty dự định ưu tiên cung cấp.
Moderna nhắm mục tiêu vào thị trường Mỹ. Hãng phát triển vaccine mRNA-1273 với sự hỗ trợ của Viện Y tế Quốc gia, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng tài trợ 2,48 tỷ USD.
mRNA-1273 là hy vọng sáng nhất trong Chiến dịch Thần tốc của Tổng thống Donald Trump. Chương trình dự kiến sản xuất 20 triệu liều tiêm cho người dân nước này trong năm nay.
Vì vaccine Moderna có giá cao và hợp tác sản xuất với chính phủ Mỹ, các nước còn lại trên thế giới sẽ phải chờ đợi một thời gian mới được phân phối. Các nước thu nhập thấp có thể phải tìm kiếm nguồn vaccine khác. Dự án COVAX của Liên Hợp Quốc sẽ tài trợ việc phân phối vaccine Covid-19 cho các nước nghèo hơn, song giá 37 USD một mũi tiêm vẫn khá cao.
Moderna cho biết sẽ không đăng ký bằng sáng chế vaccine trong khoảng thời gian thế giới chưa dập tắt đại dịch. Động thái này có thể giúp các nhà sản xuất thuốc ở Ấn Độ, Trung Quốc phát triển phiên bản giá rẻ hơn.
Nhà nghiên cứu của Moderna làm việc tại Trường Đại học Cambridge, Mỹ. Ảnh: NY Times
|
Đầu tháng 8, Stephane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna tuyên bố sẽ định giá mRNA-1273 "thấp hơn nhiều giá trị của vaccine" trong giai đoạn đại dịch vẫn đang diễn ra. Sau khi Covid-19 được kiểm soát, trở thành bệnh đặc hữu, hãng sẽ bán vaccine mRNA-1273 theo thị trường truyền thống, phù hợp với các loại vaccine thương mại khác.
Các nhà hoạt động xã hội tỏ ra không hài lòng. Đại diện Tổ chức Bác sĩ không Biên giới cho rằng "các công ty không thể quyết định tăng giá vaccine khi đại dịch đã kết thúc". Ông dẫn hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford đã tuyên bố không thu lợi nhuận từ vaccine Covid-19
Ngày16/11, Moderna tuyên bố vaccine Covid-19 của mình hiệu quả 94,5%, dựa trên dữ liệu sơ bộ thử nghiệm giai đoạn cuối. Trước đó, hôm 10/11, Pfizer và BioNTech cũng thông báo vaccine BNT162b2 phòng ngừa Covid-19 trên 90%. Như vậy, Mỹ có hai loại vaccine Covid-19 tác dụng vượt xa mong đợi, dự kiến được phê duyệt khẩn cấp tháng 12 năm nay.
Cả hai "ứng viên" đều được phát triển bằng công nghệ mới RNA thông tin, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Ưu điểm của vaccine Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như sản phẩm của Pfizer, giúp quá trình phân phối dễ dàng hơn. Các liều tiêm có thể được lưu trữ ở tủ lạnh y tế thông thường, mức nhiệt 2-8 độ C trong vòng 30 ngày.
Đến nay, toàn thế giới có hơn 100 loại vaccine đang được phát triển. 12 "ứng viên" đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, thuộc về Mỹ, Đức, Trung Quốc, Anh, Nga, Ấn Độ. Hồi tháng 8, Nga đã chấp thuận khẩn cấp vaccine Sputnik V trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3. Ngày 12/11, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết Sputnik V đạt hiệu quả 90% và vài ngày sau "sửa" lại 92%, song không công bố các dữ liệu chi tiết mà "dựa trên quan sát".
Lê Hằng