Tham vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc kể từ khi dỡ bỏ chính sách Zero Covid dường như đã không đạt kỳ vọng, một phần bắt nguồn từ những "cơn gió ngược" trong nước. Tiêu dùng của người dân Trung Quốc không đạt kỳ vọng Trái với mong đợi về sự trở lại của Trung Quốc có thể là động lực vực dậy nền kinh tế toàn cầu, một loạt tín hiệu tiêu cực mới đây cho thấy nền kinh tế số 2 thế giới cũng đang đối diện với nhiều thách thức. Tình hình khó khăn khiến các nhà kinh tế phải hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc về mức khiêm tốn 5% trong năm 2023.
Mũi nhọn tiêu dùng trong nước bị mài mòn
Sau khi dỡ bỏ chiến lược Zero Covid, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mũi nhọn là “chi tiêu trong nước”. Tháng 12/2022, chính phủ đã công bố chính sách “tăng trưởng dựa trên tiêu dùng” - đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, các nhà hoạch định ưu tiên “mở rộng tiêu dùng hộ gia đình” như một chiến lược dài hạn.Điều này được xem là phù hợp xu thế, khi nó được kỳ vọng có thể bù đắp cho những vấn đề đã tồn tại trong nền kinh tế Trung Quốc từ trước đại dịch. Tháng 9/2019, sản lượng công nghiệp Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002. Doanh số bán lẻ chậm lại, xuất khẩu cũng giảm 1% sau một năm.
Thế nhưng, tham vọng tăng trưởng do tiêu dùng dẫn đầu ở Trung Quốc đến nay vẫn chưa cho thấy hiệu quả. Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu và niềm tin vào nền kinh tế của người dân đang chững lại. Năm 2022, tiết kiệm hộ gia đình Trung Quốc tăng 80% so với năm trước đó. Tiền gửi ngân hàng bằng NDT cũng tăng mạnh 41% trong quý I/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Nợ hộ gia đình Trung Quốc gia tăng đáng kể (Ảnh: Bloomberg) Sau Covid-19, công chúng đã trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu, cũng như thực hiện các khoản đầu tư rủi ro như trước đây. Các đợt phong tỏa cực kỳ nghiêm ngặt và các chính sách thay đổi đột ngột cũng đã khiến nhu cầu tiết kiệm tăng vọt. Theo một cuộc khảo sát hàng quý của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, 58% người dân hiện thích tiết kiệm hơn, tăng từ 45,7% trong năm trước đại dịch.
Các số liệu kinh tế khác cũng hàm ý điều này. Vào tháng 3/2023, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 14,8% và nhập khẩu giảm 1,4%. Thặng dư thương mại hàng tháng lên tới 88,2 tỷ USD phản ánh nhu cầu trong nước yếu và nhu cầu xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài gia tăng.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đang ở mức hơn 20%, mức cao kỷ lục. Chỉ số thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc giảm 20% trong năm nay, cùng với đó là sự sụt giảm liên tục của giá đồng và quặng sắt – những vật liệu thiết yếu cho sản xuất.
Bất động sản chưa thoát khỏi suy thoái
Vốn chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc, lĩnh vực bất động sản trì trệ cũng đang kìm hãm nhu cầu về các vật liệu công nghiệp như thép, gỗ và hóa chất, cũng như hàng tiêu dùng như thiết bị gia dụng và đồ nội thất.Sự sụt giảm doanh số bán nhà của Trung Quốc được thể hiện trong hoạt động cho vay liên quan bất động sản giảm mạnh hơn 50% vào năm 2022. Trong quý I/2023, nguồn thu từ quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cũng giảm đáng kể 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường bất động sản với quy mô khổng lồ của Trung Quốc vẫn đầy rẫy khó khăn Đây được xem là một tín hiệu bất thường khi trong thời điểm chi tiêu giảm sút, người dân thường có xu hướng đầu tư vào các tài sản bảo đảm như bất động sản. Nhưng ở Trung Quốc, thay vì đổ tiền vào đất đai, nhà cửa, người dân đang tín nhiệm vàng hay các kim loại giá trị nhiều hơn.
Theo nhận định của nhà kinh tế học của Goldman Sachs (NYSE:GS), Lisheng Wang, những “lỗ hổng dai dẳng” trong ngành bất động sản Trung Quốc - bao gồm nợ công địa phương và tài chính cho các nhà phát triển tư nhân - đang là lực cản đối với nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm tới và thậm chí có thể ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực.
Những gói kích thích mới đây của Chính phủ Trung Quốc cho lĩnh vực này chưa thể giải quyết được phần ngọn của vấn đề, theo các chuyên gia. Cộng với nhu cầu thực của người tiêu dùng suy yếu, sức ép duy trì đà tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ngày càng bị thách thức.
“Nếu những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản ngày càng sâu sắc và gây ra tâm lý e ngại rủi ro trong hệ thống tài chính, đồng thời ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, thì điều này sẽ khiến Trung Quốc suy thoái sâu hơn”, nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley, Chetan Ahya, nhận định.