Chi phí sinh hoạt tăng mạnh cùng với những khó khăn về kinh tế đã khiến đông đảo người dân Nigeria đổ ra đường biểu tình vào cuối tuần trước. Với lạm phát hàng năm lên tới gần 30% và đồng nội tệ “rơi tự do”, Nigeria đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cùng với đó, tâm lý bất mãn về kinh tế của người dân đã dẫn tới các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Theo CNBC, đồng naira của Nigeria ghi nhận mức thấp kỷ lục so với đồng tiền Mỹ vào hôm 19/2, trượt xuống gần 1.600 naira đổi 1 USD từ mốc 900 vào đầu năm.
>> Đồng nội tệ Malaysia sắp chạm mức thấp kỷ lục được lập trong khủng hoảng tài chính châu Á
Tổng thống Bola Tinubu ngày 20/2 thông báo rằng Chính phủ liên bang có kế hoạch huy động ít nhất 10 tỷ USD để tăng cường dự trữ ngoại hối và ổn định đồng naira.
Đồng tiền này đã giảm khoảng 70% kể từ tháng 5/2023 khi ông Tinubu nhậm chức, tiếp nhận một nền kinh tế chật vật và hứa hẹn một loạt cải cách nhằm vực dậy tăng trưởng.
Thêm vào đó, vào tháng 1, cơ quan quản lý thị trường thay đổi cách tính tỷ giá đóng cửa của đồng naira, dẫn đến một đợt phá giá đồng tiền khác.
Nhiều năm kiểm soát tỷ giá kéo dài cũng gây ra nhu cầu bị dồn nén lớn với đồng USD vào thời điểm đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dầu thô của Nigeria sụt giảm.
Pieter Scribante, nhà kinh tế chính trị cấp cao tại Oxford Economics, nhận định: “Đồng tiền mất giá sẽ làm tăng lạm phát nhập khẩu, khiến áp lực giá cả ở Nigeria thêm trầm trọng”.
Khủng hoảng chi phí sinh hoạt và khó khăn kinh tế là nguyên nhân của các cuộc biểu tình trên khắp đất nước vào cuối tuần qua. Ảnh: CNBC |
Được biết dù là nền kinh tế lớn nhất châu Phi với hơn 210 triệu người, Nigeria vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của dân số đang tăng nhanh.
Trong khi đó, lạm phát tiếp tục tăng cao, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đạt 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1996. Mức cao này được thúc đẩy bởi giá thực phẩm tăng liên tục, lên tới 35,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh lạm phát tăng vọt và đồng tiền lao dốc, Nigeria còn phải vật lộn với mức nợ chính phủ kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp cao, thiếu điện và sản lượng dầu mỏ - mặt hàng xuất khẩu chính của nước này - sụt giảm.
Cũng theo Scribante, nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ có thể buộc Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) áp dụng lại các lệnh cấm nhập khẩu và hạn chế ngoại hối để giảm bớt gánh nặng cho cán cân thanh toán.
Chuyên gia cho rằng điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hàng hoá trong nước và khiến lạm phát tăng hơn nữa.
Oxford Economics dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh điểm gần 33% vào quý II/2024 và có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài do nhiều rủi ro kinh tế phía trước.
Các nhà phân tích cho rằng cần phải tăng lãi suất nhiều hơn nữa để ngăn chặn sự leo thang của lạm phát.
Phó Giám đốc kinh tế Jason Tuvey của công ty nghiên cứu Capital Economics tiết lộ: “Hai cuộc họp chính sách tiền tệ cuối tháng 2 và cuối tháng 3 năm nay sẽ là một bài kiểm tra quan trọng xem liệu sự thay đổi chính sách dưới thời Tổng thống Tinubu có thực sự lấy lại được động lực kinh tế hay không”.
>> Quốc gia châu Á 'vụt sáng', thế chân Trung Quốc trở thành tâm điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu