Vietstock - Kỳ vọng gì từ chứng khoán châu Á trong nửa cuối năm?
Chứng khoán châu Á được dự báo sẽ có thành tích tốt trong 6 tháng cuối năm, với Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường được yêu thích nhất.
Một phần ba trong số 19 chiến lược gia và nhà quản lý quỹ tại châu Á được Bloomberg News khảo sát cho biết họ dự báo chứng khoán Trung Quốc sẽ có thành tích vượt trội hơn trong nửa năm tới. Một tỷ lệ tương tự chọn Ấn Độ là khoản đầu tư tốt nhất.
Các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giúp hai thị trường mới nổi này hưởng lợi, mỗi thị trường đều có câu chuyện riêng. Các chuyên gia tham gia khảo sát ưa chuộng cổ phiếu Trung Quốc vì định giá thấp và triển vọng thay đổi chính sách, trong khi cổ phiếu Ấn Độ được ưa thích nhờ tâm lý lạc quan hậu bầu cử và tương đối miễn nhiễm với căng thẳng địa chính trị.
Trong báo cáo giữa năm, Joseph Little, Chiến lược gia toàn cầu tại HSBC Asset Management, cho biết: “Chúng tôi tin rằng mức chiết khấu sâu cùng với đà tăng trưởng toàn cầu sẽ tạo ra cơ hội để các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á, dẫn đầu trong nửa cuối năm”.
Chỉ số thị trường mới nổi châu Á của MSCI tăng mạnh hơn chỉ số chứng khoán châu Á của MSCI trong quý vừa qua, với chênh lệch hiệu suất cao nhất kể từ năm 2009. Thị trường mới nổi châu Á cũng là khu vực được mua ròng nhiều nhất trong tháng 6/2024, theo Goldman Sachs (NYSE:GS) Group Inc. Trong khi đó, chứng khoán toàn cầu bị bán ròng với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm.
Vì sao Trung Quốc và Ấn Độ được yêu thích?
Chứng khoán Ấn Độ đã tăng kể từ khi đảng cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi giành được đủ sự ủng hộ từ các đồng minh để thành lập chính phủ liên minh, giúp ông có nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Vốn hóa của chứng khoán Ấn Độ đã vượt mốc 5 ngàn tỷ USD lần đầu tiên trong tháng 6 khi Modi cam kết duy trì chính sách hỗ trợ và các nhà đầu tư nước ngoài trở lại thị trường sau 2 tháng rút ròng.
Một cuộc khảo sát riêng của Bloomberg về Ấn Độ cho thấy chứng khoán nước này có tiềm năng tăng tốc vào cuối năm, nhờ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và ngân sách liên bang sắp tới có thể cung cấp một động lực bổ sung cho các lĩnh vực như chi tiêu tiêu dùng và cơ sở hạ tầng.
Ray Sharma-Ong, Trưởng bộ phận giải pháp đầu tư đa tài sản khu vực Đông Nam Á tại abrdn Plc, ưa chuộng cổ phiếu Ấn Độ vì “nhiều chất xúc tác chưa được phản ánh vào giá”, bao gồm ngân sách của chính phủ. Ông cũng nhận thấy cổ phiếu Ấn Độ là “ít bị ảnh hưởng nhất bởi căng thẳng Mỹ-Trung và các tác động lan tỏa từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”.
Ngược lại, cổ phiếu Trung Quốc gặp khó khăn sau đợt tăng giá mạnh hồi đầu năm, với một số chỉ số chính rơi vào tình trạng điều chỉnh kỹ thuật trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, cả cuộc khảo sát rộng và một cuộc khảo sát riêng về Trung Quốc của Bloomberg đều cho thấy các nhà phân tích và quản lý quỹ đều lạc quan về thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới trong nửa năm tới khi các quỹ toàn cầu trở lại và lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện.
HSBC Holdings Plc lạc quan về chứng khoán Trung Quốc, cho rằng “tâm lý rất tiêu cực đối với cổ phiếu Trung Quốc sẽ dần dần thay đổi”. Herald van der Linde, Chiến lược gia cổ phiếu châu Á tại HSBC, đang gia tăng các vị thế cổ phiếu Trung Quốc cho nửa cuối năm.
Rủi ro địa chính trị và triển vọng của cổ phiếu châu Á
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng căng thẳng địa chính trị xuất phát từ cuộc bầu cử Mỹ sắp tới là một rủi ro chính cho thị trường châu Á. Các chính sách siết chặt hạn chế có thể được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump cạnh tranh để thể hiện quan điểm của họ đối với Trung Quốc.
Hebe Chen, Chuyên viên phân tích tại IG Markets Ltd., cho biết: “Tác động từ căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc-Mỹ hoặc Trung Quốc-Đài Loan sẽ lan rộng trong khu vực. Không có thị trường châu Á nào miễn nhiễm, đặc biệt là các thị trường có hiệu suất tốt nhất hiện nay”.
Hơn một nửa số chuyên gia tham gia khảo sát cho biết cổ phiếu châu Á có khả năng tăng mạnh hơn so với thị trường Mỹ trong nửa năm còn lại, nhờ hưởng lợi từ khả năng cắt giảm lãi suất của Fed và định giá rẻ hơn. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ thấy tỷ suất sinh lời bị giới hạn ở mức 10% hoặc ít hơn.
Ray Sharma-Ong nói: “Châu Á có thể đạt thành tích vượt trội trong chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed. Ngoài các đợt cắt giảm lãi suất chính sách, chúng ta còn có tăng trưởng kinh tế và tiềm năng lợi nhuận cao hơn ở châu Á và định giá cổ phiếu ở mức rẻ hơn”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)