Bất ổn ở Trung Đông không còn là mối đe dọa đối với những quốc gia tiêu dùng xăng dầu lớn nhất thế giới. Tại sao và “kỳ tích” đến từ Mỹ có tác động như thế nào? "Kỳ tích" giúp Mỹ thắng đậm từ lệnh cấm vận dầu Nga
Vào năm 1973 và 1979, những biến động ở Israel và Iran đã làm gián đoạn thị trường dầu mỏ, khiến lạm phát gia tăng và các nền kinh tế phương Tây suy thoái. Và vào những thập kỷ sau đó, khả năng xung đột xuất hiện trở lại ở Trung Đông - có thể gây ra một đợt tăng giá xăng dầu khác - đang trở thành “bóng đen” phủ lên Nhà Trắng.
Trong tuần trước, nỗi sợ hãi đột nhiên bị thổi phồng quá mức khi Israel tấn công Iran làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Tuy nhiên sang đầu tuần này, giá dầu đã ổn định ở mức 87 USD/thùng.
Đó là phản ứng “dửng dưng” đáng chú ý từ các thị trường dầu mỏ, đặc biệt là trước mối đe dọa mà Iran đặt ra đối với eo biển Hormuz, tuyến đường biển mà cứ 5 thùng xăng dầu tiêu thụ trên toàn cầu thì có 1 thùng đi qua địa điểm này mỗi ngày.
Theo Financial Times, giá dầu thô bình ổn trước tình trạng hỗn loạn này phần lớn là do sự kiện tại các mỏ dầu đá phiến ở Bắc Dakota và Tây Texas, đã khiến thị trường toàn cầu tràn ngập dầu của Mỹ.
Daniel Yergin, Phó chủ tịch của S&P Global cho biết: “Dầu đá phiến đã vẽ lại bản đồ dầu mỏ thế giới theo cách mà hầu hết mọi người dường như không hiểu. Nó không chỉ thay đổi cán cân cung cầu mà còn thay đổi cán cân địa chính trị và cân bằng tâm lý”.
Kể từ năm 2022, Liên minh châu Âu đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nguồn cung năng lượng từ Nga. Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga thực hiện tại Ukraine cũng đã thổi bùng lên 1 cuộc khủng hoảng năng lượng trên phạm vi toàn cầu mà trong đó Mỹ chính là bên hưởng lợi nhiều nhất.
Có thể thấy, trong lúc Nga và châu Âu căng thẳng làm dòng chảy dầu mỏ giữa hai bên bị gián đoạn, thì Mỹ lại tăng cường xuất khẩu sang cả 2 thị trường này. Điều đó cũng đã đánh dấu thời kỳ cực thịnh của cuộc cách mạng dầu đá phiến.
Diễn biến giá dầu Brent |
Hiện nay, Mỹ sản xuất gần 20 triệu thùng dầu mỏ mỗi ngày, gần bằng mức tiêu thụ. Nhập khẩu từ vùng Vịnh đã giảm mạnh và Mỹ lần đầu tiên trở thành nhà xuất khẩu dầu ròng vào năm 2019. Đá phiến Permian Basin ở Texas và New Mexico tạo ra nhiều dầu hơn Kuwait, Iraq hoặc UAE, ba cường quốc của OPEC.
Các nhà phân tích cho biết, những lợi thế chiến lược là rất sâu sắc, đặc biệt là đối với một quốc gia đang mong muốn chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã làm giảm bớt tác động của việc cắt giảm nguồn cung do OPEC thực hiện trong hai năm qua và giúp chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt ra các biện pháp trừng phạt đối với các nhà cung cấp như Venezuela và Nga, đồng thời thắt chặt các hạn chế đối với Iran mà không sợ ảnh hưởng tới giá dầu.
Harold Hamm, Chủ tịch của Continental Resources cho biết: “Đó là một sự thay đổi lớn so với thời điểm chúng ta ở những năm 1970. Nếu không có cuộc cách mạng dầu đá phiến thì chúng ta sẽ có giá dầu ở mức 150 USD…Chúng ta sẽ ở trong một tình huống rất bất ổn. Nó sẽ rất khủng khiếp”.
Sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã làm giảm bớt tác động của việc cắt giảm nguồn cung do OPEC thực hiện trong hai năm qua |
Tầm quan trọng của dầu đá phiến đối với thị trường dầu mỏ đã được thể hiện rõ vào năm 2019, sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở chế biến dầu thô Abqaiq ở Ả Rập Xê-út, trung tâm đầu não của ngành dầu mỏ nước này. Giá dầu thô đã tăng mạnh và sau đó gần như nhanh chóng giảm trở lại.
“Tôi nghĩ đó là lúc tôi nhận ra rõ ràng rằng đã có một sự tái cân bằng tuyệt vời”, ông Daniel Yergin cho biết.
"Chịu tổn thương” trước những cú sốc dầu mỏ
Mặc dù vậy, các chuyên gia cảnh báo, Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc dầu mỏ. Một cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và Iran, hoặc một đợt sụt giảm lớn mới về xuất khẩu - ví dụ nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa - chắc chắn sẽ loại bỏ nguồn cung khỏi thị trường toàn cầu và làm tăng giá xăng dầu ở khắp nơi trên thế giới, từ Bắc Kinh đến Boston.
Mỹ chiếm khoảng 20% nhu cầu toàn cầu, do nước này phụ thuộc vào các loại phương tiện cỡ lớn do đó rất tốn xăng.
Sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của Mỹ |
Chỉ 4 năm trước, giá dầu lao dốc trong đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều nhà sản xuất đá phiến đến bờ vực phá sản. Tổng thống Donald Trump khi đó buộc phải nhờ Ả Rập Xê-Út và Nga cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu, từ đó giải phóng lĩnh vực đá phiến - một minh chứng cho sự dễ bị tổn thương về năng lượng của Mỹ.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine khiến giá dầu tăng vào năm 2022, Tổng thống Biden cũng đã gây áp lực với Ả Rập Xê-út để được giúp đỡ, thúc giục họ bơm thêm để giảm chi phí xăng dầu tăng vọt của Mỹ.
Bản thân các giám đốc điều hành trong lĩnh vực dầu đá phiến cũng nghi ngờ liệu các công ty khoan dầu có thể tăng nguồn cung đủ nhanh để giải cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi cú sốc dầu mỏ bất ngờ hay không.
Trong khi đó, trọng tâm ngoại giao của Nhà Trắng là ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hơn nữa ở Trung Đông. “Chúng ta sắp có một cuộc bầu cử và chính quyền Tổng thống Biden không thể hành động liều lĩnh hoặc vội vàng trong khu vực. Họ đang cực kỳ cẩn thận với mọi bước đi của mình”, Matt Gertken, chiến lược gia địa chính trị tại BCA Research cho biết.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng cho biết, họ vẫn sẵn sàng sử dụng lượng dầu dự trữ chiến lược để giữ giá ở mức ổn định. Với mức giá khoảng 3,68 USD/gallon, giá xăng ở Mỹ có thể thấp hơn so với các nền kinh tế khác nhưng đã tăng 15% trong năm nay.
Theo Amy Myers Jaffe, giáo sư tại NYU: “Điểm mấu chốt là một quốc gia có dầu mỏ của riêng mình vẫn là tốt hơn. Nhưng giá dầu thô sẽ tăng nếu có cú sốc nguồn cung thị trường, điều đó có thể sẽ tác động trở lại tới người lái xe tại Mỹ khi giá nhiên liệu cao hơn và sau đó tác động tới thị trường toàn cầu”.
>> Căng thẳng Iran - Israel có thể khiến giá dầu, giá vàng tăng mạnh