Trung Quốc vừa công bố hàng loạt dữ liệu cập nhật về tình hình kinh tế đất nước. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, đầu tư tài sản cố định cũng như doanh số bán lẻ của quốc gia đã tăng thấp hơn dự kiến. Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 17/5, doanh số bán lẻ tháng 4 của nước này đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước - thấp hơn đáng kể so với mức 3,8% được dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters, đồng thời chậm hơn tốc độ 3,1% ghi nhận trong tháng 3.
Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 6,7% so với một năm trước, vượt kỳ vọng tăng trưởng 5,5%. Đó cũng là mức tăng rõ rệt so với mức 4,5% trong tháng 3.
Tuy nhiên đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 4,2% trong 4 tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng dự kiến là 4,6%. Từ tháng 1 đến tháng 4, đầu tư bất động sản cũng giảm 9,8% so với cùng kỳ. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất trong thời gian đó cũng chậm lại một chút so với mức được báo cáo hồi tháng 3.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tháng 4 ghi nhận 5%. Cục Thống kê cho biết họ sẽ công bố dữ liệu phân tích theo độ tuổi trong những ngày sắp tới sau khi phát hành dữ liệu tổng thể.
Ngoài ra, trong thời gian nghỉ lễ gần đây - từ ngày 29/4 đến ngày 3/5, doanh số bán lẻ đã tăng 6,8% so với cùng kỳ. Bộ Thương mại cũng cho biết doanh số bản lẻ thiết bị gia dụng đã tăng 7,9% trong thời gian đó, trong khi doanh số bán lẻ ô tô tăng 4,8% - được thúc đẩy bởi ưu đãi mua bán trên toàn quốc.
Cục Thống kê chỉ ra: “Các chỉ số chính của ngành công nghiệp, xuất khẩu, việc làm và giá cả nhìn chung được cải thiện, với các động lực mới duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng”.
Ngoài ra, số liệu tháng 4 cũng bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ Lao động và mức cơ sở cao của năm ngoái. Đại diện phát ngôn Cục Thống kê Liu Aihua cũng cho biết lĩnh vực bất động sản vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh.
Các chỉ số chính của ngành công nghiệp, xuất khẩu, việc làm và giá cả Trung Quốc nhìn chung được cải thiện, với các động lực mới duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng |
“Bức tranh hỗn hợp” của kinh tế Trung Quốc
Các dữ liệu khác được công bố trong tháng 4 cũng đã chỉ ra một bức tranh “hỗn hợp” về tăng trưởng của Trung Quốc, CNBC viết.
Xuất khẩu trong tháng 4 tăng trưởng 1,5% - khớp với dự đoán, trong khi nhập khẩu tăng mạnh hơn dự kiến với mức tăng 8,4%.
Một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu trong nước đang ổn định - giá tiêu dùng tháng 4 đã tăng lên. Nhưng thước đo giá ở cấp độ nhà máy lại tiếp tục suy giảm.
Dữ liệu cho vay mới trong tháng 4 giảm xuống mức chưa từng thấy trong ít nhất 2 thập kỷ - phần lớn là do những thay đổi trong cách đo lường dữ liệu nhưng cũng phản ánh nhu cầu vay vốn trong tương lai của các doanh nghiệp và hộ gia đình đang chậm lại.
Sự sụt giảm kéo dài trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi đáng kể, với nhiều căn hộ bán trước vẫn đang được xây dựng. Nhiều thành phố cũng đã nới lỏng các hạn chế mua nhà trong vài tuần qua nhằm tăng doanh số bán nhà.
Chi tiết chính sách nhà ở dự kiến
Các quan chức của Bộ nhà ở, Ngân hàng Trung ương và Cơ quan quản lý tài chính dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào chiều thứ 6 về các chính sách hỗ trợ giao nhà.
Dan Wang, Kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank (Trung Quốc), cho biết trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng trước rằng bà kỳ vọng thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ ổn định vào cuối năm tới. Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra nền kinh tế nói chung vẫn vững vàng. Theo bà, có vẻ nền kinh tế đã được bù đắp bằng đầu tư và sản xuất công nghiệp thay cho sự mất mát lớn trên thị trường bất động sản.
GDP quý I/2024 của Trung Quốc đã tăng trưởng 5,3% so với một năm trước đó, cao hơn mức 4,6% của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến. So với quý trước, GDP nước này đã tăng 1,6% - tiếp tục vượt dự báo của Reuters là 1,4%. Nước này cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% vào năm 2024.
>> Hàng loạt công ty châu Âu 'vỡ mộng' vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm