Cách đây hơn một thập kỷ, Buffett đã đề xuất một phương pháp lập pháp nhằm khuyến khích Quốc hội Mỹ quản lý tài chính quốc gia một cách có trách nhiệm hơn. Cách đây hơn một thập kỷ, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã đề xuất một kế hoạch vô cùng độc đáo mà ông tin rằng có thể giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách ngày càng leo thang của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn trực tiếp trên CNBC vào năm 2011, Buffett đã đưa ra một phương pháp lập pháp nhằm khuyến khích Quốc hội Mỹ quản lý tài chính quốc gia một cách có trách nhiệm hơn.
Buffett cho hay: “Tôi có thể chấm dứt khoản thâm hụt chỉ trong 5 phút".
"Bạn chỉ cần thông qua một đạo luật quy định rằng bất cứ khi nào thâm hụt ngân sách đạt trên 3% GDP, tất cả các thành viên đương nhiệm của Quốc hội đều không đủ điều kiện để tái tranh cử”, ông nói thêm.
Warren Buffett |
Khi cuộc thảo luận tiếp tục, Buffett mở rộng lời phê bình của mình và kêu gọi trách nhiệm đối với các doanh nghiệp Mỹ, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ trách nhiệm tài chính trên quy mô quốc gia.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của việc duy trì uy tín về tín dụng của quốc gia, tạo ra sự tương đồng giữa thói quen tài chính cá nhân và quản lý tài chính quốc gia. Tương tự như các cá nhân phải đối mặt với hậu quả do hoạt động tài chính kém, chẳng hạn như thanh toán chậm ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng tín dụng, Buffett lập luận rằng việc quản lý tài chính yếu kém của một quốc gia có thể làm suy yếu nghiêm trọng vị thế và uy tín của quốc gia đó trên thị trường tín dụng toàn cầu.
Mặc dù Buffett đưa ra tuyên bố của mình với sự pha trộn giữa đùa giỡn và nghiêm túc, nhưng thông điệp này đã đánh trúng tâm lý của nhiều người dân Mỹ. Đó là nhu cầu cấp thiết về trách nhiệm tài chính và sức mạnh tiềm tàng của việc điều chỉnh động lực của các nhà lập pháp phù hợp với tình hình tài chính dài hạn của đất nước.
Tuy nhiên, Buffett thừa nhận sự mâu thuẫn và thách thức vốn có trong đề xuất của ông – những cá nhân cần ban hành luật như trên cũng chính là những người sẽ mạo hiểm sự nghiệp của mình khi thực hiện điều này, góp phần gây ra xung đột lợi ích lớn.
Hiện tại, hơn một thập kỷ sau những bình luận của Buffett, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ thậm chí còn lớn hơn, biến những gì từng là một nhận xét hài hước thành một sự phản ánh có tính dự đoán về những thách thức mang tính cơ cấu trong việc quản lý nợ quốc gia một cách có trách nhiệm.
Cụ thể, Chính phủ Mỹ đã công bố mức thâm hụt ngân sách gần 1.700 tỉ USD trong năm tài chính 2023, tăng 23% so với năm trước do nguồn thu từ thuế sụt giảm, lãi suất tăng và chi tiêu cho an sinh xã hội. Theo Bộ Tài chính Mỹ, đây là mức thâm hụt lớn nhất kể từ mức 2.700 tỷ USD do Covid-19 vào năm 2021.
Vì thâm hụt tiếp tục là mối lo ngại cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân, nên việc xem lại đề xuất của Buffett khiến nhiều người phải suy ngẫm về sự phức tạp của chính sách tài khóa, bất đồng giữa các động thái chính trị và lợi ích cá nhân.
Đồng thời, việc không ngừng tìm kiếm các giải pháp hiệu quả, thực tế để giải quyết vấn đề nhằm đảm bảo sự bền vững của nền kinh tế quốc gia là vô cùng cần thiết.
>> Giá vàng tăng phi mã nhưng Warren Buffett vẫn quay lưng, khuyên thà mua đất còn hơn, vì sao?