Vietstock - Hai nỗi lo của nhà đầu tư châu Á trong năm 2025
Theo giới chuyên gia, hai vấn đề chính sẽ chiếm lĩnh tâm trí nhà đầu tư châu Á trong năm 2025 là nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump và tình trạng nền kinh tế Trung Quốc.
Ngân hàng Nomura cho rằng các chính sách của chính quyền Trump sắp tới có khả năng sẽ định hướng triển vọng tăng trưởng và lạm phát năm 2025 ở châu Á.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có sự gia tăng thuế quan vào đầu năm tới, dẫn đến lạm phát tăng và tăng trưởng đầu tư chậm lại", công ty này nhận định. Thuế quan cao hơn và rào cản thương mại sẽ đồng nghĩa với việc xuất khẩu từ châu Á yếu đi. Sự không chắc chắn gia tăng và các biện pháp trả đũa qua lại có thể trì hoãn đầu tư kinh doanh trong khu vực.
"Khi thuế quan dẫn đến giảm luồng thương mại và tạo áp lực giảm tăng trưởng, các nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất và thương mại, như các nước châu Á, có khả năng chịu tác động tiêu cực nhiều hơn", Freida Tay, quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định tổ chức tại công ty quản lý đầu tư toàn cầu MFS Investment Management nói với CNBC.
Về chính sách tiền tệ, Fed đã báo hiệu sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn trong năm 2025 và nâng dự báo lạm phát trong cuộc họp cuối cùng năm 2024. Điều này khiến Nomura dự báo châu Á sẽ phải đối mặt với điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn trong năm 2025, do lãi suất cao hơn và đồng USD mạnh lên.
Tuy nhiên, Nomura nhận thấy "triển vọng chính sách tiền tệ khác biệt" trong khu vực. Các quốc gia như Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc và Indonesia - những nước chịu nhiều rủi ro tỷ giá hối đoái - sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025.
Chính sách này thường làm yếu đồng tiền của một quốc gia, khiến xuất khẩu rẻ hơn và có khả năng hỗ trợ tăng trưởng trước thuế quan. Mặt khác, các quốc gia có "tăng trưởng mạnh, lạm phát cao hơn và điều kiện tiền tệ vẫn còn thuận lợi" như Nhật Bản và Malaysia sẽ tăng lãi suất.
"Sóng gió đang ở phía trước" đối với khu vực này, các nhà phân tích của Nomura cảnh báo. Mặc dù nhu cầu AI mạnh mẽ và việc tăng tốc xuất khẩu sẽ hỗ trợ một phần tăng trưởng trong quý đầu tiên, nhưng khu vực này "dường như đang hướng tới vùng biển động" từ quý hai, do tác động từ nhiệm kỳ Tổng thống của Trump, dư thừa công suất của Trung Quốc và chu kỳ bán dẫn chậm lại.
Riêng với Trung Quốc, các nhà phân tích kỳ vọng sẽ có thêm các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế. Họ nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần ổn định thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, sửa chữa hệ thống tài khóa, tăng cường hỗ trợ phúc lợi xã hội và giảm bớt căng thẳng địa chính trị để "đạt được sự phục hồi thực sự và bền vững".
"Đây là một thách thức lớn vào thời điểm xuất khẩu của Trung Quốc - đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong năm 2024 - có thể đối mặt với áp lực mạnh khi Trump trở lại. Mặc dù Bắc Kinh có thể duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP 'khoảng 5%', chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ giảm xuống 4% trong năm 2025 từ mức 4.8% trong năm 2024", Nomura cho biết.
Tuy vậy, Maris vẫn nhìn thấy cơ hội ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Ông "có cái nhìn tích cực" về các công ty liên quan đến người tiêu dùng Trung Quốc. "Do có quá nhiều tâm lý tiêu cực", những công ty này thường được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu gói kích thích của chính phủ được triển khai hiệu quả, các doanh nghiệp này có khả năng sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng cải thiện.
Trong khi các yếu tố vĩ mô như chính sách của Trump và tình hình kinh tế Trung Quốc tạo ra những bất ổn đáng kể, sự phân hóa giữa các nền kinh tế trong khu vực cũng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư biết nắm bắt xu hướng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)