Vietstock - Giới đầu tư toàn cầu lo Fed phạm sai lầm khiến kinh tế Mỹ suy thoái
Những dự báo về suy thoái kinh tế Mỹ khiến cho cuộc họp tuần này của Fed trở nên đặc biệt quan trọng...
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Getty/CNBC. |
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đứng trước một nhiệm vụ hết sức khó khăn là kéo nền kinh tế giảm tốc đủ để kiểm soát lạm phát mà không gây ra một cuộc suy thoái.
Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed sẽ bắt đầu vào ngày thứ Ba và kết thúc vào chiều ngày thứ Tư (4/5) theo giờ Mỹ. Phần đông các nhà phân tích và đầu tư ở Phố Wall dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này - một bước nhảy lãi suất mà ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới chưa từng áp dụng kể từ năm 2000. Lãi suất của Fed (fed fun rates) là cơ sở để các ngân hàng thương mại của Mỹ thiết lập lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn liên ngân hàng, đồng thời là mốc tham chiếu cho nhiều khoản vay tiêu dùng như vay mua nhà, mua xe…
Trước thềm cuộc họp quan trọng này của Fed, có một mối lo ngày càng lớn về việc Fed liệu có đạt mục tiêu tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Mối lo đó thậm chí xuất hiện ở cả một số cựu quan chức của Fed – hãng tin CNBC cho hay.
Suy thoái là tất yếu?
“Ở thời điểm hiện tại, một cuộc suy thoái kinh tế gần như là không tránh khỏi”, cựu Phó chủ tịch Fed Roger Ferguson nhận định ngày 2/5. “Suy thoái đang âm ỉ hình thành, và khả năng xuất hiện suy thoái – theo quan điểm của tôi – là rất, rất cao vì công cụ của Fed là một công cụ thô và tất cả những gì mà họ có thể kiểm soát là tổng cầu trong nền kinh tế”.
Trên thực tế, chính bên cung của phương trình cung-cầu mới là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát cao ở Mỹ hiện nay, trong bối cảnh nguồn cung không thể đáp ứng được nhu cầu khi nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi từ đáy sâu do Covid-19 gây ra.
Trong phần lớn thời gian của năm 2021, Fed khẳng định rằng lạm phát chỉ là một vấn đề tạm thời và nhiều khả năng lạm phát sẽ tự giảm khi các điều kiện trong nền kinh tế trở về trạng thái bình thường. Nhưng sang năm nay, các quan chức Fed đã phải thừa nhận rằng lạm phát là một vấn đề sâu hơn và dai dẳng hơn so với những gì họ nghĩ.
Ông Ferguson dự báo suy thoái sẽ xảy ra vào năm 2023, nhưng hy vọng “đó sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ”.
Những dự báo về suy thoái kinh tế Mỹ khiến cho cuộc họp tuần này của Fed trở nên đặc biệt quan trọng. Gần như chắc chắn Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này. Ngoài ra, FOMC cũng có thể công bố kế hoạch cắt giảm danh mục trái phiếu mà họ đã Fed đã mua vào để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phải giải thích tất cả những động thái này trước công chúng, để họ tin rằng Fed quyết tâm khống chế lạm phát nhưng sẽ không bóp nghẹt nền kinh tế vốn đã trở nên mong manh trước các cú sốc.
“Fed phải nâng lãi suất đủ cao để giữ được uy tín và bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán. Nhưng Fed sẽ phải chấp nhận một cuộc suy thoái kinh tế đi kèm”, CEO Danielle DiMartino Booth của Quill Intelligence nhận định. “Đó sẽ là một thông điệp cực kỳ khó để truyền tải”.
Cuộc thảo luận về suy thoái ở Phố Wall đang “nóng” lên, nhưng phần lớn các chuyên gia kinh tế vẫn tin Fed có thể kiểm soát được lạm phát mà không khiến nền kinh tế “hạ cánh cứng”. Tuần này, thị trường phản ánh khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này, tiếp theo là một đợt nâng 0,75 điểm phần trăm vào tháng 6, rồi giảm tốc trở lại, tiến tới đưa lãi suất lên ngưỡng 3% vào cuối năm nay.
Nỗi lo Fed thắt chặt quá tay
Nhưng không có gì chắc chắn, và mọi động thái của Fed đều tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ. Trong quý 1 năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS) dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 2 với mức tăng 3%.
Chuyên gia kinh tế trưởng Tom Porcelli của RBC Capital Markets nhận định rằng đang có “rủi ro ngày càng lớn” tình hình kinh tế Mỹ làm trệch hướng các kế hoạch của Fed.
“Hiện tại, mọi người đều đang hướng sự chú ý tới các dữ liệu kinh tế và tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp, tất cả đều đang ổn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các vết rạn đang hình thành”, ông Porcelli viết trong một báo cáo. “Ngoài ra, tất cả những điều này lại đang diễn ra đúng lúc áp lực lạm phát nhiều khả năng sẽ dịu đi, và có thể dịu đi nhanh hơn so với đang được dự báo hiện nay”.
Số liệu công bố ngày thứ 2/5 cho thấy những dấu hiệu mới về sự giảm tốc của tăng trưởng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực sản xuất trong tháng 4 giảm còn 55,4 điểm. Con số này cho thấy ngành sản xuất vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn. Quan trọng hơn, chỉ số tuyển dụng của tháng 4 chỉ là 50,9 điểm – cho thấy việc tuyển dụng đang chững lại.
Những con số này làm dấy lên nỗi lo ở Phố Wall rằng Fed có thể hành động quá tay với lạm phát trong chu kỳ thắt chặt này - một sai lầm tương tự như việc Fed đã để lạm phát đã đi quá xa rồi mới hành động.
“Fed sẽ lại nói: ‘Hãy nhìn xem, chúng tôi sẽ nhạy cảm với các dữ liệu kinh tế. Nếu dữ liệu thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi hướng đi của chính sách’”, chiến lược gia James Paulsen của The Leuthold Group nhận định. “Chắc chắn tăng trưởng thực sẽ giảm tốc. Đó sẽ không phải là một sự sụt giảm chóng mặt, nhưng nền kinh tế sẽ giảm tốc. Tôi nghĩ Fed sẽ nhạy cảm hơn với các dữ liệu kinh tế trong quá trình thắt chặt”.
An Huy