Vietstock - Fed: Các chính sách nới lỏng sẽ đe dọa đến sự ổn định tài chính tại Mỹ
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất lần 2 trong năm 2017 do họ lo lắng việc tiếp tục nới lỏng chính sách sẽ gia tăng rủi ro tới sự ổn định tài chính và cả nền kinh tế Mỹ, CNBC cho hay.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen
|
Các quan chức Fed đã chỉ ra một yếu tố để quyết định nâng lãi suất dù lạm phát chẳng nhúc nhích và chưa đạt mục tiêu – một tình trạng mà họ xem là chỉ mang tính tạm thời và có thể tăng trong dài hạn lên mục tiêu 2%, dựa trên biên bản họp tháng 6/2017 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC).
Tại cuộc họp này, Fed đã nâng lãi suất thêm 0.25% lên 1-1.25% và phác họa ra một kế hoạch để cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán trị giá 4.5 ngàn tỷ USD, chủ yếu là các trái phiếu mà họ đã mua vào để cố gắng kích thích nền kinh tế Mỹ trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Biên bản họp công bố trong ngày thứ Tư cho thấy các quan chức Fed tin rằng bản cân đối kế toán có thể được giảm bớt và chỉ có tác động rất hạn chế đến thị trường tài chính.
Các quan chức cũng bày tỏ quan ngại rằng lạm phát thấp sẽ tiếp diễn.
Tuy nhiên, họ bị chia rẽ nội bộ về việc quyết định thời điểm bắt đầu tiến trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán nên họ không công bố một lộ chính chính thức về việc này.
Việc các chỉ số đo lường lạm phát dưới mức mục tiêu 2% của Fed là do các yếu tố riêng biệt, bao gồm đà giảm mạnh của giá dịch vụ điện thoại không dây và thuốc kê theo toa.
Trong khi Fed đã nâng lãi suất 4 lần kể từ tháng 12/2015 thì lợi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm sút trong vài tháng trở lại đây. Chứng khoán tiếp tục nới rộng, và nhiều thước đo khác về điều kiện tài chính vẫn được nới lỏng.
Biên bản họp này cho thấy một cuộc thảo luận sôi nổi về việc tại sao điều đó lại xảy ra.
Họ cho rằng lợi suất trái phiếu thấp có thể là do tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong dài hạn, cũng như lượng trái phiếu trị giá 4.5 ngàn tỷ trên bảng cân đối kế toán.
Về giá cổ phiếu, các thành viên FOMC cho rằng khả năng chấp nhận rủi ro ngày càng tăng của các nhà đầu tư có thể là yếu tố làm giá tài sản tăng trên diện rộng. Một vài thành phần tham gia thị trường bày tỏ lo ngại rằng mức độ biến động yếu trên thị trường cùng với tỷ suất sinh lợi của cổ phiếu thấp có thể làm gia tăng rủi ro tới sự ổn định tài chính ở Mỹ.
Bên cạnh việc nâng lãi suất tại cuộc họp này, FOMC còn thiết lập ra các thông số cho quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán. Hiện Fed đang tái đầu tư các khoản tiền từ trái phiếu. Theo dự tính của Fed, họ sẽ thiết lập mức giới hạn thoái vốn ban đầu ở mức 10 tỷ USD/tháng và cứ sau mỗi 3 tháng sẽ nâng mức giới hạn cho đến khi chạm 50 tỷ USD/tháng. Tiến trình cắt giảm có khả năng tiếp tục cho đến khi số dư trên bảng cân đối kế toán chạm mức từ 2-2.5 ngàn tỷ USD.
Chủ tịch Fed, Janet Yellen, cho biết hy vọng tiến trình cắt giảm sẽ diễn ra trong yên lặng và không thu hút quá nhiều sự chú ý từ thị trường.
“Việc thông báo bắt đầu tiến trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán của Fed được dự báo sẽ gây ra các ảnh hưởng rất hạn chế lên điều kiện thị trường tài chính”, biên bản họp cho biết.
Các động thái nâng lãi suất và cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán diễn ra trong bối cảnh một vài nhà đầu tư lo lắng về việc liệu Fed có nên thắt chặt chính sách khi lạm phát ở mức quá thấp hay không. Thước đo lạm phát yêu tích của Fed ở mức 1.4%, thấp hơn mục tiêu 2% của Fed.
Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis, Neel Kashkari, là người duy nhất phản đối quyết định trên của Fed vì ông cho rằng FOMC nên đợi thêm nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát đang dần hướng về mục tiêu 2%. Trong khi đó, một vài chuyên gia kinh tế khuyến khích Fed nâng nâng mục tiêu lạm phát.