Vietstock - Kiến nghị tăng phí các dự án BOT
VARSI kiến nghị Chính phủ cho các dự án BOT điều chỉnh tăng phí theo lộ trình do đang gặp nhiều khó khăn.
Ngày 2/11, lãnh đạo Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho hay, đơn vị này đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành nhiều vấn đề tồn tại của các dự án BOT sau khi nhận được ý kiến góp ý của các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT thời gian qua không được tăng theo lộ trình cam kết làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của nhiều dự án.
"Việc chưa được tăng phí theo lộ trình thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với những cam kết trong hợp đồng đã ký", văn bản của VARSI nêu. Do đó, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan cho điều chỉnh phí.
Ngoài ra, VARSI kiến nghị cơ quan nhà nước thực hiện cam kết với các dự án BOT. Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được nhà nước hỗ trợ khoảng 17.000 tỷ trong tổng vốn đầu tư là 47.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay ngân sách mới giải ngân 2.851 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng.
Thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Anh Duy.
|
Dự án hầm Đèo Cả có phần vốn nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng tuy nhiên đến nay mới giải ngân 3.868 tỷ đồng. Các nhà đầu tư, ngân hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Các doanh nghiệp VARSI còn lo ngại về những thay đổi cơ chế, chính sách ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án. Ví dụ các trạm BOT đường tránh Thanh Hóa, cao tốc La Sơn - Túy Loan không được thu phí dù trước đó nhà nước đã có cam kết cho thu phí.
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, các chính sách thuế, phí hay quản lý, sử dụng tài sản công hoặc thay đổi gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng đến đầu tư dài hạn các dự án giao thông. Luật PPP mới được Quốc hội thông qua đã có quy định nhà nước chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới song chưa làm rõ cơ chế, hướng dẫn đối với các dự án đã và đang triển khai.
Năm nay, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã hai lần kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí để giảm khó khăn cho doanh nghiệp BOT do các dự án bị giảm thu từ năm 2019 và trong Covid-19.
Theo đó, phương án một là cho phép doanh nghiệp được tăng phí theo hợp đồng dự án đã ký kết. Thời điểm tăng sẽ được Bộ lựa chọn phù hợp để hạn chế ảnh hưởng chi phí vận tải. Phương án hai giữ nguyên mức phí như hiện nay và chỉ tăng theo lộ trình trong hợp đồng từ 2022. Tuy nhiên, Nhà nước cần bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án khi chưa được tăng phí.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, doanh thu các dự án BOT đang khá thấp. 58 trong số 60 dự án có doanh thu thấp hơn dự báo, trong đó 17 dự án chưa đạt 50%.
Anh Duy