Investing.com -- Cuộc đình công của hơn 45.000 công nhân đã chính thức chấm dứt sau khi đạt được thỏa thuận tăng lương 62%.
Cuộc đình công của hơn 45.000 công nhân ở 36 cảng trên bờ Đông nước Mỹ và vịnh Mexico kéo dài suốt ba ngày qua, gây tê liệt quá trình vận chuyển hàng hóa, đã chấm dứt vào ngày 3.10 sau khi đạt được thỏa thuận tạm thời.
Cuộc đình công ở hàng loạt bến cảng Mỹ dự gây thiệt hại hàng tỉ USD, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cung ứng hàng hóa, nhất là khi nước Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi sau siêu bão Helene.
Các nhà phân tích làm việc tại Ngân hàng JP Morgan (NYSE:JPM_pj) cho biết ước tính mỗi ngày đình công có thể gây thiệt hại đến 5 tỉ USD do đứt gãy các hoạt động thương mại.
Theo hai nguồn thạo tin chia sẻ với Hãng tin Reuters, thỏa thuận tạm thời này bao gồm mức lương tăng kỷ lục khoảng 62% trong vòng sáu năm, nâng mức lương trung bình từ 39 USD/giờ lên 63 USD/giờ.
Liên đoàn công nhân và các nhà đầu tư cảng cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ gia hạn hợp đồng chính đến tháng 1.2025. Sau khoảng thời gian này, cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
“Tất cả quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Các hành động đình công hiện tại sẽ chấm dứt và toàn bộ công việc sẽ được tiếp tục”, tuyên bố nêu rõ.
Cuộc đình công diễn ra từ ngày 1.10 với sự tham gia của hơn 45.000 công nhân tại 36 cảng trải dài từ bang Texas đến bang Maine là hoạt động đình công đầu tiên xảy ra ở các cảng bờ biển phía đông nước Mỹ và vùng duyên hải vịnh Mexico kể từ năm 1977.
Được biết phía công nhân các cảng Mỹ với đại diện là Hiệp hội công nhân bốc xếp quốc tế (ILA) đã yêu cầu tăng lương thêm 77% so với mức lương hiện tại, dựa trên lợi nhuận mà ngành đạt được trong những năm gần đây.
Tuy nhiên Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX), đại diện các bến cảng Mỹ, chỉ đồng ý với đề xuất mức tăng lương gần 50%.
Trước đó cuộc đàm phán giữa ILA và USMX đã bị gián đoạn vào tháng 6 sau khi liên đoàn cáo buộc USMX vi phạm hợp đồng bằng cách áp dụng quy trình tự động hóa tại một số bến cảng khiến nhiều công nhân lo ngại mất việc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ ông Joe Biden sau đó cũng đã lên tiếng ủng hộ phía công đoàn, gây sức ép lên các lãnh đạo bến cảng Mỹ nhằm tăng mức lương cho người lao động. Ông cũng chỉ ra ngành vận tải biển đã đạt được lợi nhuận kỷ lục kể từ đại dịch COVID-19.
“Thỏa thuận tạm thời hôm nay, bao gồm mức lương kỷ lục và kéo dài quá trình thương lượng tập thể, là một bước tiến quan trọng hướng tới việc ký kết một hợp đồng vững mạnh trong tương lai”, tổng thống Mỹ khẳng định trong một tuyên bố sau khi phía công đoàn và bến cảng đạt được thỏa thuận.
“Tôi muốn cảm ơn các công nhân liên đoàn, các hãng vận chuyển và các nhà khai thác cảng vì đã mở cửa lại các cảng và đảm bảo đủ nguồn cung cần thiết cho việc phục hồi và tái xây dựng sau bão Helene”, ông chia sẻ.
Được biết cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh chỉ còn khoảng năm tuần nữa sẽ đến thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ. Hiện cả hai ứng viên cho ngôi vị này, ông Donald Trump - đại diện Đảng Cộng hòa và bà Kamala Harris - đại diện Đảng Dân chủ, đều đang cố gắng thu hút sự ủng hộ từ cử tri thuộc tầng lớp lao động.