Làm thế nào mà một doanh nhân về hưu đã xuất gia không chỉ “cứu sống” mà còn biến Japan Airlines trở thành hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới?
Ông Kazuo Inamori. |
Ở tuổi 52, Kazuo Inamori thành lập Công ty Viễn thông (nay là KDDI). Đáng chú ý, cả 2 “cơ ngơi” này của ông đều lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới.
Đến năm 1997, Kazuo Inamori quyết định nghỉ hưu và xuất gia trở thành nhà sư đạo Phật với pháp danh Đại Hòa. Trước đó, tư tưởng nhà Phật đã có ảnh hưởng rất lớn đến ông khi điều hành công việc kinh doanh của mình.
Cũng chính nhờ tư tưởng này, ông đã nhiều lần cứu nguy cho tập đoàn Kyocera và hồi sinh Japan Airlines - một trong những bước ngoặt kinh doanh lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản xin phá sản
Trong suốt 5 năm liên tiếp ở những năm 80 của thế kỷ trước, Japan Airlines giữ vững danh hiệu hãng hàng không làm ăn tốt nhất thế giới cả ở mảng vận tải hành khách và hàng hóa, đỉnh cao là đội máy bay Boeing (LON:SBA) 747 lớn nhất ngành công nghiệp hàng không.
Ông Hiroshi Sugie (cựu phi công từng làm việc cho Japan Airlines gần 40 năm) cho rằng mọi việc bắt đầu đi chệch hướng khi ban quản lý của hãng thực hiện các kế hoạch mở rộng hoạt động và đầu tư ra ngoài lĩnh vực hàng không.
Một trong những thương vụ kinh doanh thua lỗ của Japan Airlines lúc bấy giờ là vụ mua lại Essex House – khách sạn hạng sang ở Manhattan với giá 190 triệu đô la Mỹ. Hội đồng quản trị Japan Airlines còn chi thêm 100 triệu đô la Mỹ để cải tạo với tham vọng sẽ biến Essex House trở thành “cây hái ra tiền” tại New York.
Japan Airlines tốn kém quá nhiều trong thương vụ mua khách sạn Essex House ở New York. |
Năm 1992, công ty lỗ 53,8 tỷ yen, lần đầu tiên cổ phiếu Japan Airlines chìm trong sắc đỏ kể từ khi hãng hàng không này được tư nhân hóa hoàn toàn vào năm 1987.
Chưa hết, một loạt các thảm họa toàn cầu nhanh chóng khiến hoạt động của hãng trở nên khó khăn hơn như vụ khủng bố ngày 11/9/2001, chiến tranh Iraq năm 2003 hay đại dịch SARS. Khi lượng hành khách liên tục sụp đổ, biên lợi nhuận nhỏ bé của Japan Airlines nhanh chóng bị xóa sạch.
Trong nỗ lực tạo thêm doanh thu ở thị trường nội địa, Japan Airlines đã mua hãng hàng không lớn thứ ba của Nhật Bản, Japan Air System (chuyên bay các tuyến đường ngắn nội địa).
Đây lại là một quyết định sai lầm khác của Japan Airlines. Chi phí bị đội lên trong khi nhiều chuyến bay của hãng chỉ toàn là ghế trống khiến tình hình kinh doanh trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Và Japan Airlines đã phải vay mượn để thoát khỏi cảnh khó khăn.
Càng về sau, khối nợ của công ty càng lớn, lên đến 2.320 tỷ yen khiến hãng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2010. Đây được xem là vụ phá sản có quy mô lớn nhất ngoài lĩnh vực tài chính ở Nhật Bản kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhà sư cứu tinh
Sau một thời gian dài tung tiền để cứu Japan Airlines nhưng không cải thiện được tình trạng kinh doanh, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản lúc bấy giờ đã quyết định bổ nhiệm ông Kazuo Inamori đảm nhận vị trí Chủ tịch và Giám đốc điều hành của hãng.
Khi đó, ông Inamori đã xuất gia và cũng đã gần 80 tuổi, ông cũng không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Thế nhưng, quyết định của Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản về sau được chứng minh là bước đi vô cùng đúng đắn.
Bắt tay vào công việc mới, ông Inamori lập tức nghiên cứu kỹ về ngành hàng không và mạnh tay cắt giảm 15.700 việc làm, chiếm gần 1/3 nhân lực, cắt tới 30% tiền lương. Hãng cũng nhận khoản cứu trợ 900 tỷ yen và được xóa một số khoản nợ.
Với những nhân viên còn lại, ông nhẹ nhàng tiếp xúc và giải thích để họ hiểu được sứ mệnh cũng như trách nhiệm của Japan Airlines đối với nước Nhật, đồng thời đảm bảo sự chắc chắn về công việc để họ có thể yên tâm làm việc.
Bản thân ông quyết định không nhận lương khi trở thành CEO của Japan Airlines bởi trên thực tế, Kazuo Inamori đang là người giàu thứ 28 của Nhật Bản vào thời điểm đó, theo Forbes Asia.
Bên cạnh việc cắt giảm chi phí, Kazuo Inamori còn chú trọng đến vấn đề con người và văn hóa công ty. Vị tỷ phú này sử dụng hệ thống quản lý Amoeba từng được áp dụng thành công ở Kyocera.
Theo đó, lực lượng lao động của Japan Airlines được chia thành các đơn vị nhỏ có lãnh đạo riêng. Thay vì đợi quyết định từ trên xuống, những người lãnh đạo này có quyền tự quyết định trong nhiều khía cạnh nhất định.
Dưới bàn tay của Inamori, trong năm tài chính 2011/12, Japan Airlines được công nhận là hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới. Khi đó, Japan Airlines có khoản lợi nhuận 186,6 tỷ yen, cao hơn gấp nhiều lần so với kỳ vọng 60 tỷ yen.
Đợt IPO của Japan Airlines vào tháng 9/2012 thu được 663 tỷ yen trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Đây là đợt IPO lớn thứ hai trên toàn thế giới vào năm đó chỉ sau Facebook Inc (NASDAQ:META).
Khi việc kinh doanh dần khởi sắc, Japan Airlines đầu tư mua máy bay Boeing 787 tiết kiệm nhiên liệu hơn. Hãng cũng mở thêm nhiều đường bay mới, trong đó có cả đường bay tới Bắc Mỹ, Trung Đông, Trung Á và châu Phi.
Về phía Inamori, sau khi hoàn thành việc sắp xếp lại nhân sự và giải quyết vấn đề tài chính cho Japan Airlines, ông rời khỏi hội đồng quản trị vào năm 2013 và trở thành cố vấn danh dự của hãng vào năm 2015.
Ở thời điểm hiện tại, Japan Airlines vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau cú vấp ngã trong quá khứ. Vào năm 2019, lợi nhuận của Japan Airlines là 167 tỷ yen. Trong năm tài khóa 2023, lợi nhuận ròng của Japan Airlines dự kiến tăng 59,8%.
Năm 2022, Kazuo Inamori qua đời ở tuổi 90, thế nhưng, những thành công vang dội trong lĩnh vực kinh doanh đã khiến ông trở thành huyền thoại của giới thương nghiệp, được tôn vinh là một trong những “vị thánh quản lý” của Nhật Bản.