Vietstock - Chuyên gia đánh giá kinh tế Mỹ khó rơi vào suy thoái trầm trọng như lo ngại
Giới chuyên gia nhận định vẫn có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu suy yếu, nhưng nó khó có thể rơi vào một cuộc suy thoái trầm trọng như lo ngại của thị trường.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Nỗi lo sợ kinh tế Mỹ suy thoái đã dẫn đến một đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây, với chỉ số S&P 500 giảm tới 3% vào phiên 5/8 - mức giảm theo ngày lớn nhất trong gần hai năm.
Các số liệu việc làm yếu hơn dự kiến đã làm dấy lên lo ngại rằng kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể đã mắc sai lầm trong mục tiêu đạt được cái gọi là kịch bản "hạ cánh mềm."
Một cuộc "hạ cánh mềm" có nghĩa là chính sách lãi suất của Fed đủ mạnh để kiềm chế lạm phát nhưng không gây ra suy thoái kinh tế.
Song với tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt, giới đầu tư lo ngại rằng điều này báo hiệu một "cuộc hạ cánh cứng" có khả năng xảy ra nhiều hơn.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới vẫn còn tương đối thấp. Nói cách khác, khả năng kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” vẫn còn.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s, đã chia sẻ quan điểm trên, nhận định kịch bản có khả năng xảy ra nhất đối với kinh tế Mỹ là tránh được suy thoái kinh tế.
Tương tự, ông Jay Bryson, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Wells Fargo Economics, cho biết "hạ cánh mềm" vẫn là dự báo “cơ bản” của ông. Nhưng ông cho biết lo ngại về suy thoái không hoàn toàn vô căn cứ.
Ông chỉ ra “cú sốc lớn” vào thứ Sáu tuần trước (2/8) - cũng là nguyên nhân khởi nguồn cho sự lao dốc của thị trường chứng khoán sau đó - xuất phát từ báo cáo việc làm hàng tháng do Cục Thống kê Lao động công bố.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã chạm mức 4,3% vào tháng 7/2024, tăng so với mức 4,1% của tháng Sáu và 3,5% của cùng kỳ năm trước đó.
Các nhà kinh tế cho biết tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc 4,3% là thấp theo tiêu chuẩn lịch sử. Nhưng sự gia tăng ổn định của tỷ lệ này trong năm qua đã kích hoạt cái gọi là quy tắc Sahm" - dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã suy thoái.
Quy tắc Sahm được kích hoạt khi trung bình động ba tháng của tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nửa điểm phần trăm (hoặc hơn) so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước đó. Ngưỡng đó đã bị phá vỡ vào tháng Bảy, khi chỉ số suy thoái theo quy tắc Sahm đạt 0,53 điểm.
Thông tin này đã khiến ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS) vào cuối tuần trước nâng dự báo suy thoái đối với kinh tế Mỹ từ 15% lên 25%. (Các nhà kinh tế cho biết suy thoái xảy ra trung bình sáu đến bảy năm một lần, đưa tỷ lệ dự báo hàng năm vào khoảng 15%.)
Tuy nhiên, có lý do chính đáng để nghĩ rằng quy tắc Sahm không chính xác trong chu kỳ kinh tế hiện tại.
Theo ông Zandi, nguyên nhân là do cách tính tỷ lệ thất nghiệp: Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm của những người thất nghiệp trong lực lượng lao động.
Vì vậy, những thay đổi trong hai biến số - số lượng người thất nghiệp và quy mô lực lượng lao động - có thể làm tăng hoặc giảm tỷ lệ này.
Quy tắc Sahm trong lịch sử đã được kích hoạt bởi nhu cầu lao động suy yếu. Các doanh nghiệp đã sa thải nhân viên và số lượng người thất nghiệp tăng lên.
Tuy nhiên, ông Bryson cho biết tỷ lệ thất nghiệp tăng trong năm qua phần lớn là vì "lý do chính đáng" - cụ thể là nguồn cung lao động tăng mạnh.
Nhiều người Mỹ đã tham gia thị trường việc làm và tìm kiếm việc làm hơn. Song những người đang nghỉ việc và đang tìm kiếm việc làm đều được tính vào nhóm "thất nghiệp" trong dữ liệu liên bang, do đó làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Ông Bryson cho biết lực lượng lao động tại Mỹ vào tháng Bảy đã tăng 420.000 người so với tháng Sáu, một con số "khá lớn.
Trong khi đó, một số dữ liệu liên bang cho thấy các doanh nghiệp vẫn giữ chân được người lao động: Tỷ lệ sa thải là 0,9% vào tháng Sáu, bằng với mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2000.
Biển báo tuyển người làm tại một cửa hàng ở New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết đã có những dấu hiệu đáng lo ngại về sự hạ nhiệt trên thị trường lao động. Ví dụ, hoạt động tuyển dụng đã chậm lại dưới mức cơ sở trước đại dịch, cũng như tỷ lệ người lao động nghỉ việc để tìm việc mới.
Đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng dần. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đang ở mức cao nhất kể từ mùa Thu 2021.
Ông Nick Bunker, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế khu vực Bắc Mỹ tại trang web việc làm Indeed đánh giá thị trường lao động Mỹ đang trong tình thế nguy hiểm.
“Cờ vàng cảnh báo” đã xuất hiện trong các báo cáo về thị trường lao động trong vài tháng qua, nhưng bây giờ những dấu hiệu đó đang chuyển sang màu đỏ nguy hiểm.
Nhưng bên ngoài thị trường lao động, kinh tế Mỹ vẫn có những số liệu tích cực, đồng thời cho thấy sức bền của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ví dụ, ông Zandi chỉ ra rằng chi tiêu tiêu dùng “thực” (tức là chi tiêu sau khi tính đến lạm phát) vẫn mạnh “trên mọi phương diện.”
Điều đó rất quan trọng vì chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 nền kinh tế Mỹ. Theo ông Zandi, nếu người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, nền kinh tế sẽ vẫn ổn.
Còn ông Bryson cho biết các yếu tố cơ bản trong nền kinh tế như sức khỏe tài chính của các hộ gia đình "vẫn khá tốt" về tổng thể.
Các nhà kinh tế cũng cho biết Fed gần như chắc chắn sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Chín và giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Về tổng thể, chuyên gia Bryson cho biết tình hình hiện thời không giống như tháng 9/2008, khi thị trường tài chính thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Đây cũng không phải là tháng 3/2020, khi nền kinh tế phải đóng cửa vì đại dịch. Vẫn có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu suy yếu, nhưng nó khó có thể rơi vào một cuộc suy thoái trầm trọng như lo ngại của thị trường./.
Hương Thủy