Vietstock - Chứng khoán Trung Quốc tăng 'rực rỡ' trong nhiệm kỳ ông Trump
Căng thẳng gia tăng mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc trong 4 năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Donald Trump không thể ngăn thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản, mùa hè 2019 - Ảnh: Reuters.
|
Theo tờ Nikkei, mức tăng của chứng khoán Trung Quốc kể từ khi ông Trump đắc cử vào năm 2016 đã vượt xa mức tăng của bất kỳ thị trường chứng khoán chủ chốt nào khác ở khu vực châu Á trong cùng khoảng thời gian. Giới phân tích dự báo giá cổ phiếu tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ tiếp tục đi lên, cho dù ông Trump hay ông Joe Biden thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 diễn ra vào ngày thứ Ba (3/11).
CHỨNG KHOÁN TRUNG QUỐC KHÔNG "NGẠI" THƯƠNG CHIẾN
Khi ông Trump "khai hỏa" cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh vào giữa năm 2018 bằng cách áp thuế quan bổ sung lên hàng chục tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, chứng khoán nước này đã sụt mạnh.
Nhưng sau đó, thị trường hồi phục khi hai nước tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Năm nay, mức vốn hóa của chứng khoán Trung Quốc lập kỷ lục nhờ nền kinh tế nước này phục hồi nhanh từ cú sốc Covid-19, đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh, và dự báo cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục cải thiện.
Tính từ khi ông Trump đắc cử vào tháng 11/2016 đến nay, chỉ số CSI 300 của cổ phiếu A niêm yết trên hai sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến đã tăng 41,19%. Trong số các chỉ số chứng khoán chủ chốt của châu Á, CSI 300 chỉ kém chỉ số Sensex của chứng khoán Ấn Độ về mức tăng trong cùng khoảng thời gian, với Sensex tăng 47,8%.
Cùng kỳ, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ tăng 62,6%; Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản tăng 38,4%; Kospi của thị trường Hàn Quốc tăng 18%; các chỉ số chính của chứng khoán Singapore và Indonesia đi xuống.
Lợi nhuận của các công ty niêm yết ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nới lỏng điều kiện vay vốn, cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, và cải thiện thị trường nhằm gỡ bỏ rào cản đối với đầu tư nước ngoài.
Những biện pháp này giúp bù đắp thiệt hại lợi nhuận gây ra bởi thuế quan và chiến dịch siết hoạt động tín dụng "ngầm" - nỗ lực nhằm giảm rủi ro đối với hệ thống cho vay "chợ đen" quy mô ước tính lên tới 45 nghìn tỷ USD ở Trung Quôc.
"Chiến dịch giảm nợ trong hệ thống ngân hàng ‘ngầm’ của Trung Quốc đã đi qua, tăng trưởng tín dụng đang được đẩy mạnh", ông Frank Benzimra, trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán châu Á thuộc Societe General ở Hồng Kông, nhận định. "Cuộc phân ly (decoupling) giữa Mỹ và Trung Quốc giờ đây tập trung vào lĩnh vực công nghệ, trong khi hội nhập tài chính của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đã tăng lên. Cùng với đó, sự gia tăng chu kỳ của lợi nhuận các công ty Trung Quốc mang lại cơ hội hấp dẫn trên thị trường chứng khoán nước này".
Dự báo căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tiếp diễn, nhưng ông Benzimra cho rằng việc bỏ qua chứng khoán Trung Quốc đồng nhĩa với bỏ lỡ một thị trường tăng trưởng hiếm hoi.
NỖ LỰC CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CỦA TRUNG QUỐC
Cứng rắn với Trung Quốc là một trong số ít những chính sách đối ngoại của Mỹ nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Trong chiến dịch vận động tranh cử 2020, ông Trump nêu chủ trương "phân ly" nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc, ứng viên Dân chủ Joe Biden cũng hứa dùng thuế quan đối với Trung Quốc và cam kết "đoàn kết sức mạnh của các nền dân chủ trên thế giới để chống lại hành vi lạm dụng về kinh tế".
Một chiến thắng thuộc về ông Trump sẽ đồng nghĩa với sự tiếp tục của thương chiến và những nỗ phân ly hai nền kinh tế - theo ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á thuộc Oxford Economics. Một chính quyền của Đảng Dân chủ sẽ "quan tâm nhiều hơn đến hợp tác" với Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ "có lập trường chính sách mềm mỏng hơn nhiều với Trung Quốc trong những vấn đề như công nghệ và phân ly", ông Kuijis nhận định.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới có được sự tăng trưởng trong năm 2020. Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters với sự tham gia của các nhà kinh tế học vào cuối tháng 10 dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng 5,8% trong quý 4 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,9% đạt được trong quý 3. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo đạt 8,4% trong 2021, khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục từ sau cú sốc do Covid-19 gây ra - cuộc khảo sát dự báo.
Một cơ sở quan trọng khác cho nhận định lạc quan về triển vọng của chứng khoán Trung Quốc là những cải cách trong lĩnh vực tài chính của nước này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Trung Quốc.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã gỡ bỏ mức trần đối với nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết cơ quan này đang chuẩn bị kế hoạch để mở rộng hơn cánh cửa cho nhà đầu tư nước ngoài trong kết nối giao dịch giữa hai sàn chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải, và cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn các hợp đồng hàng hóa giao sau.
Nhờ các biện pháp mở cửa thị trường tài chính mà Chính phủ Trung Quốc triển khai năm nay, những ngân hàng lớn ở Phố Wall như JPMorgan Chase và Goldman Sachs giờ đây có thể nắm quyền sở hữu 100% liên doanh ở Trung Quốc, theo đó có thể đầu tư nhiều hơn vào nước này.
Những động thái trên giúp tạo ra sự minh bạch lớn hơn trên thị trường tài chính Trung Quốc, làm giảm phần bù rủi ro mà nhà đầu tư yêu cầu cho rủi ro khi nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc - từ mức hơn 10% vào năm 2015 xuống còn 6% ở thời điểm hiện tại, theo Societe Generale.
Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đến tốc độ phân ly kinh tế Mỹ-Trung, nhưng hướng đi này sẽ không thay đổi - theo chuyên gia kinh tế trưởng Anatole Kaletsky của Gavekal Research.
Phân ly sẽ thúc đẩy Trung Quốc trở nên tự cường, phát triển công nghệ và hệ sinh thái giao dịch của riêng mình, theo đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc một cách trực tiếp, thay vì chỉ có cách rót vốn vào thị trường Trung Quốc thông qua nắm cổ phiếu của những công ty nước ngoài có hoạt động kinh doanh lớn ở nước này như hãng công nghệ Mỹ Apple (NASDAQ:AAPL) hay hãng ô tô Đức Daimler.
SỨC HÚT CỦA CỔ PHIẾU, TRÁI PHIẾU TRUNG QUỐC
"Xét tới mức độ hiện diện còn rất thấp của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài ở Trung Quốc hiện nay, xu hướng trên sẽ thúc đẩy những dòng vốn lớn chảy vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc", ông Kaletsky nói. "Bởi vậy, sự gia tăng mạnh mẽ của vốn ngoại rót vào chứng khoán Trung Quốc và của mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu Trung Quốc có lẽ chính là khởi đầu cho một xu hướng dài hạn, thay vì là một bong bóng đầu cơ".
Ở thời điểm cuối tháng 6 năm nay, nhà đầu tư nước ngoài nắm kỷ lục 2,46 nghìn tỷ Nhân dân tệ (354,5 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC). Tuy tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này vẫn bằng chưa đầy 5% tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Trong tháng 10, vốn hóa chứng khoán Trung Quốc đạt kỷ lục ở mức 10,08 nghìn tỷ USD, tăng 3 nghìn tỷ USD so với mức đáy hồi tháng 3, nhờ các chính sách khuyến khích giao dịch cổ phiếu của Bắc Kinh, nhiều cổ phiếu mới lên sàn, và đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh. Nếu so với thời điểm đầu năm, chỉ số CSI 300 hiện tăng 17%.
Vốn huy động từ các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) và thứ cấp trên các sàn chứng khoán ở Trung Quốc đại lục từ đầu năm sẽ đạt 72,4 tỷ USD nếu tính cả vụ IPO của công ty công nghệ tài chính Ant Group, so với mức 28,5 tỷ USD của cả năm 2018 - theo số liệu từ Refinitiv.
Đồng Nhân dân tệ hiện đã tăng giá hơn 6% kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 5 và đang ở gần mức cao nhất kể từ tháng 7/2018.
"Thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đã vững vàng hơn nhiều, chủ yếu nhờ được hỗ trợ bởi một số nhân tố" như kinh tế vĩ mô tốt, thanh khoản dồi dào, mức độ vay nợ để đầu tư cổ phiếu đã giảm, và lĩnh vực công nghệ phát triển - ông David Choa, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Trung Quốc thuộc BNP Paribas Asset Management, nhận định.
"Chúng tôi tin rằng bất kỳ sự giảm điểm nào của chứng khoán Trung Quốc cũng có thể mang lại cơ hội mua vào cho những nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường này trong dài hạn", ông Choa nói.
An Huy