Vietstock - Chứng khoán toàn cầu bật tăng mạnh sau đợt bán tháo vì lợi suất trái phiếu
Thị trường chứng khoán từ châu Á cho tới châu Âu và Mỹ đều hồi phục mạnh sau phiên giảm mạnh hồi cuối tuần trước, giữa lúc lợi suất trái phiếu Mỹ giảm trở lại.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng gần 700 điểm (tương đương 2.41%) lên 29,663.50 điểm, sau khi giảm gần 4% trong phiên 26/02. Chỉ số Topix vọt 2.04% lên 1,902.48 điểm, một khởi đầu tháng 3 đầy tươi sáng.
Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc cũng khởi sắc, trong đó Shanghai Composite tiến 1.21% lên 3,551.40 điểm, còn Shenzhen component leo dốc 2.412% lên 14,857.34 điểm,
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 1.63% lên 29,452.57 điểm. Tuy nhiên, cổ phiếu CNOOC lại giảm 1.08% do Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) tuyên bố sẽ triển khai hủy niêm yết với CNOOC sau sắc lệnh điều hành của cựu Tổng thống Donald Trump.
Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 của Australia tăng 1.74% lên 6,789.60 điểm.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (trừ Hàn Quốc) tăng 1.34%. Trong ngày 01/03, thị trường Hàn Quốc tạm ngưng nhân dịp lễ.
Nguồn: IndexQ
|
Chứng khoán châu Âu và Mỹ tiếp đà hồi phục
Tại Mỹ, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đang hồi phục hơn 1% sau hai phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó. Cụ thể, hợp đồng tương lai Dow Jones tăng hơn 330 điểm (tương đương 1.08%), S&P 500 tăng 1.16%, còn Nasdaq leo dốc 1.43%.
Diễn biến chứng khoán Mỹ và châu Âu
Nguồn: CNBC
|
Trong khi đó, thị trường chứng khoán ở châu Âu cũng hòa chung vào bức tranh tăng giá của thế giới vì đà giảm của lợi suất trái phiếu và diễn biến tích cực từ việc triển khai vắc-xin Covid-19.
Chỉ số Stoxx 600 tăng 1.7% khi mà lĩnh vực hàng hóa cơ bản tăng 2.7% và dẫn dắt đà leo dốc trên thị trường, còn chỉ số DAX tăng 1.19%, FTSE tăng 1.89%.
PMI sản xuất của Trung Quốc
Chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc trong tháng 2/2021 ở mức 50.6, thấp hơn mức 51.3 của tháng trước. Tuy nhiên, con số này vẫn trên 50, tức ám chỉ hoạt động kinh doanh mở rộng.
Trong khi đó, chỉ số PMI của Caixin/Markit ở mức 50.9, giảm từ mức 51.5.
Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,900 tỷ USD
Theo Reuters, Hạ viện Mỹ vừa thông qua gói cứu trợ 1,900 tỷ USD và gửi lên để Thượng viện xem xét. việc Hạ viện thông qua dự luật này không có gì bất ngờ do Đảng Dân chủ chiếm đa số với 221 ghế so với 211 ghế của Đảng Cộng hòa tại cơ quan này. Tuy nhiên, họ sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tăng lương tối thiểu, một nội dung trong dự luật.
Dự luật đã được trình lên Thượng viện và dự kiến sẽ được thông qua nhờ lá phiếu của Phó tổng thống Kamala Harris do mỗi đảng đều có 50 thượng nghị sĩ và đang đối đầu nhau gay gắt về quan điểm chi tiêu.
Phía Đảng Dân chủ cho rằng gói cứu trợ này là cần thiết để đẩy lùi đại dịch, vốn đã làm hơn 500,000 người Mỹ thiệt mạng và khiến hàng triệu người khác mất việc làm. Họ mong muốn dự luật được thông qua trước thời điểm giữa tháng 3-2021, thời điểm gói trợ cấp thất nghiệp tăng cường và một số khoản hỗ trợ khác hết hạn.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa cho rằng nhiều mục trong gói cứu trợ hiện tại là không cần thiết và sẽ làm nợ công Mỹ vượt mức kiểm soát. Họ chỉ ra chỉ có 9% của tổng số tiền là trực tiếp chống lại virus corona. Thông qua gói cứu trợ này, các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng chẳng khác gì vung tiền qua cửa sổ.
Trong đó, có đến 1,400 tỷ USD dùng để chi trả trực tiếp cho người dân. Những người bị mất việc làm sẽ nhận được một khoản trợ cấp thất nghiệp từ liên bang trị giá 400 USD/tuần đến ngày 29/08, ngoài ra còn có tiền hỗ trợ trả tiền thuê nhà hoặc tiền mua nhà trả góp cho những gia đình mất khả năng chi trả.
Vũ Hạo (Tổng hợp)