Vietstock - Chứng khoán Mỹ xanh rực trong phiên đầu quý 3, Dow Jones vọt 300 điểm
Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu sau khi S&P 500 khép lại 6 tháng đầu năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, Dow Jones Industrial Average tăng 321.83 điểm (tương ứng 1.1%) lên 31,097.26 điểm. S&P 500 tiến 1.1% lên 3,825.33 điểm. Nasdaq Composite cũng nhận 0.9% lên 11,127.85 điểm.
Cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà cửa đóng góp rất lớn vào đà tăng của thị trường, với PulteGroup bật tăng 6.5%, trong khi while Lennar và D.R. Horton cũng đồng loạt tăng hơn 5%. Cổ phiếu Etsy bay cao 9% và đẩy S&P 500 tăng điểm.
Trong khi đó, cổ phiếu McDonald’s góp phần đem lại sắc xanh cho Dow Jones với mức tăng 2.5%. Hai ông lớn Coca-Cola (NYSE:KO) và Boeing (LON:SBA) cũng tăng hơn 2%.
Bất chấp đà tăng trong ngày thứ Sáu, cả 3 chỉ số chính vẫn ghi nhận tuần giảm điểm thứ tư trong 5 tuần. Tính chung cả tuần vừa qua, Dow Jones giảm 1.3%, S&P 500 mất 2.2%, và Nasdaq sụt 4.1%.
Nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát các tín hiệu cảnh báo từ một số công ty hạ dự báo lợi nhuận, bên cạnh mối lo ngại rằng tình trạng lạm phát duy trì ở mức cao trong nhiều thập kỷ có thể tiếp tục gây sức ép lên giá cổ phiếu.
Cổ phiếu General Motors tăng 1.4% mặc dù công ty cảnh báo vấn đề sản xuất trong quý 2 có thể khiến lợi nhuận ròng trong quý giảm về mức từ 1.6 - 1.9 tỷ USD. Theo FactSet, các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận ròng của General Motors có thể ở vào khoảng 2.5 tỷ USD trong quý 2.
Hoạt động sản xuất suy yếu
Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết hoạt động sản xuất trong tháng 6 yếu hơn so với kỳ vọng. Chỉ số hoạt động sản xuất giảm về mức 53 trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Chỉ số đơn đặt hàng mới của ISM cũng giảm từ 55.1 xuống 49.2, ghi nhận đà sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020.
Được biết, S&P 500 giảm hơn 16% trong quý 2, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số này rớt 20.6%, cũng đánh dấu mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1970 đối với giai đoạn 6 tháng. Ngoài ra, chỉ số này cũng rơi vào phạm vi thị trường con gấu với mức giảm hơn 21% từ mức cao kỷ lục xác lập vào đầu tháng 1.
Dow Jones và Nasdaq không là ngoại lệ. Dow Jones giảm 11.3% trong quý 2 và mất tổng cộng 15% trong năm 2022. Trong khi đó, Nasdaq chứng kiến quý giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2008 với 22.4%. Đà sụt giảm này cũng đã khiến chỉ số công nghệ rơi vào thị trường giá giảm, tức lao dốc gần 32% từ mức cao mọi thời đại xác lập tháng 11 năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này cũng giảm gần 29.5%.
Trong khi một bộ phận trên Wall Street lạc quan rằng thị trường sẽ phục hồi trong phần còn lại của năm 2022 vì lịch sử cho thấy khi đã giảm hơn 15% trong nửa đầu năm, thị trường có khuynh hướng phục hồi trong nửa cuối năm, thì số khác lại đang chuẩn bị cho tình huống lạm phát kéo dài và thậm chí các biện pháp thắt chặt tiền tệ hơn nữa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cản trở đà phục hồi của thị trường.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)