Vietstock - BOJ đứng yên giữa "vùng biển động"
Trong một quyết định được dự báo từ trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 0.25% trong ngày 20/09. Quyết định này được đưa ra giữa bối cảnh thị trường tài chính vẫn đang biến động mạnh sau đợt tăng lãi suất của BOJ hồi tháng 7.
Mari Iwashita, một chuyên gia dày dạn về BOJ, nhận định: "BOJ rất có thể đang ở tư thế 'chờ đợi và quan sát'”. Nhận định này phản ánh tâm lý chung của giới quan sát. Một cuộc khảo sát 27 chuyên gia do QUICK thực hiện cho thấy không ai dự đoán sẽ có thay đổi chính sách trong tháng 9. Hầu hết dự báo đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 12 hoặc tháng 1.
Tuy nhiên, BOJ cũng đang gửi những tín hiệu thận trọng. Trong tuyên bố chính thức, ngân hàng trung ương nhấn mạnh rằng "những diễn biến tỷ giá hối đoái có khả năng ảnh hưởng đến giá cả nhiều hơn trước đây". Hideo Kumano, Chuyên gia kinh tế trưởng điều hành tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, cho rằng điều này cho thấy ý định của BOJ là di chuyển thận trọng hơn trong môi trường thị trường đầy biến động.
Mặc dù vậy, áp lực lạm phát vẫn đang hiện diện rõ nét. Dữ liệu giá tiêu dùng tháng 8 cho thấy lạm phát cơ bản ở mức 2.8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp. Điều này khiến nhiều chuyên gia tin rằng BOJ vẫn có thể hành động trong tương lai gần. Kumano nhấn mạnh: "Đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể đến bất cứ lúc nào”.
Iwashita cũng dự báo: "BOJ có thể tiến hành tăng lãi suất thêm miễn là tiền đề nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm vẫn còn đứng vững”.
Quyết định của BOJ càng trở nên đáng chú ý hơn khi đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn. Chỉ vài ngày trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn bốn năm. Động thái này đã thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ, giúp giảm bớt áp lực lên đồng Yên. Vào sáng thứ Sáu, đồng Yên giao dịch ở mức khoảng 142.50 so với đồng USD, một sự cải thiện đáng kể so với mức 117 trước khi Fed bắt đầu chiến dịch thắt chặt quyết liệt vào tháng 3/2022.
Biến động trên thị trường tài chính đã tăng mạnh kể từ khi BOJ tăng lãi suất vào tháng 7. Trong tháng 8, Chỉ số Nikkei đã giảm tới 26% so với đỉnh tháng 7, nhưng sau đó đã phục hồi phần lớn.
Thêm vào đó, bối cảnh chính trị cũng đang tạo ra những ẩn số. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và cuộc tranh cử lãnh đạo đảng cầm quyền Nhật Bản vào cuối tháng 9 đều đang ở thế giằng co. Một số ứng cử viên thậm chí đang kêu gọi BOJ thận trọng hơn trong việc bình thường hóa lãi suất, có thể tạo ra rào cản cho chính sách của Thống đốc Kazuo Ueda.
Các nhà kinh tế tại BofA Securities dự báo đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 1, trong khi các đồng nghiệp tại JPMorgan Securities nghiêng về tháng 12.
Đáng chú ý, JPMorgan Securities lập luận rằng BOJ lo ngại nhiều hơn về "sự chậm trễ trong việc hình thành kỳ vọng tăng lãi suất" hơn là "rủi ro của việc tăng lãi suất". Họ cho rằng tâm lý trong nước dai dẳng về môi trường lạm phát thấp và lãi suất thấp đã "dẫn đến sự tích tụ các vị thế một chiều trên thị trường, gây ra biến động lớn trong tháng 8”.
Trong bối cảnh đó, một số thành viên hội đồng BOJ đã bắt đầu phát đi những tín hiệu diều hâu. Junko Nakagawa vào ngày 11/09 nhận định rằng lãi suất thực vẫn "ở mức cực kỳ thấp," và BOJ sẽ "điều chỉnh mức độ nới lỏng tiền tệ". Trong khi đó, Naoki Tamura còn đi xa hơn khi tuyên bố vào ngày 12 tháng 9 rằng lãi suất chính sách "cần được nâng lên ít nhất khoảng 1%".
Những bình luận này càng làm dấy lên suy đoán về hướng đi tiếp theo của BOJ. Thống đốc Kazuo Ueda, người đã khởi động quá trình bình thường hóa lãi suất trong năm nay, đã nhiều lần khẳng định rằng BOJ sẽ tiếp tục quá trình này nếu hoạt động kinh tế và giá cả tăng lên phù hợp với dự báo. Tuy nhiên, ông cũng đang phải đối mặt với một bài toán cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát và duy trì sự ổn định của thị trường tài chính.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)