Vietstock - Bất động sản toàn cầu phần lớn 'đứng vững' trong Covid-19
Giá bất động sản tại các thị trường lớn tiếp tục tăng, bất chấp cuộc suy thoái toàn cầu do Covid-19 đem lại.
Nói với CNBC, Sean Darby, Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại Ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết, ông quan sát thấy không có bất kỳ sự sụt giảm giá nào đáng kể trên thị trường nhà đất khi đối diện với tác động kinh tế chưa từng có của Covid-19.
Trong cuộc suy thoái toàn cầu 10 năm trước, trung bình giá nhà ở giảm 10%. Nhưng trong cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra, giá nhà tăng ở hầu hết quốc gia có thu nhập trung bình và cao trong quý II, theo The Economist.
Tại các nước phát triển, giá tăng trung bình là 5%. Cổ phiếu của các công ty nhóm bất động sản đã phục hồi sau khi giảm 25% ở giai đoạn đầu dịch. Giá nhà tại Đức hồi tháng 8 tăng 11% so với cùng kỳ. Chính quyền Hàn Quốc, Trung Quốc buộc phải thắt chặt quy định đối với người mua trước tốc độ tăng giá nhanh của bất động sản. Tại Mỹ, giá trung bình trên mỗi foot vuông (khoảng 0,093 m2) trong quý II tăng nhanh hơn bất kỳ quý nào trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Tại Anh, Bloomberg thông tin, giá bất động sản cao cấp cũng không hề giảm sau đại dịch. Công ty môi giới Knight Frank cho biết, trong quý II, dinh thự và penthouse sang trọng giá từ 13 triệu USD được giao dịch với mức chiết khấu 5%, thấp nhất kể từ cuối năm 2016. Knight Frank nhận định, thị trường đang có nhu cầu rất lớn trong khi nguồn cung thiếu hụt.
Sean Darby nhận xét, giá nhà "đứng vững" đóng vai trò hậu thuẫn lớn cho các nhà hoạch định chính sách khi đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế."Hệ thống ngân hàng trong nước nhờ vậy ít bị ảnh hưởng do giảm phát tài sản", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sự tăng giá mạnh của nhiều thị trường bất động sản khiến các chuyên gia đặt ra nghi ngại về rủi ro bong bóng.
Chỉ số bong bóng bất động sản 2020 của UBS Group AG cho thấy, giá nhà đất tại Munich, Frankfurt, Toronto và Hong Kong điều chỉnh mạnh nhất trong năm nay. Tiếp theo là Paris, Amsterdam, Zurich. Bất động sản tại Vancouver, British Columbia, Los Angeles, San Francisco, New York, London, Tokyo, Stockholm, Geneva, Tel Aviv, Israel, Sydney, Moscow được định giá cao nhưng không đối diện rủi ro bong bóng.
Các thành phố của Trung Quốc không nằm trong phân tích của UBS. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo thị trường nhà đất nước này đang phát triển quá nóng sau khi phục hồi sau đại dịch. Cổ phiếu của Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc bị tác động đáng kể hồi tháng 9 sau khi bị rò rỉ thông tin về tính thanh khoản.
Sean Darby cho rằng tập đoàn này là trường hợp "thực sự cá biệt". Theo ông, tập đoàn này đại diện cho phong cách quản lý kinh doanh cũ. Hiện nay, đa phần công ty ở Trung Quốc không rơi vào cảnh nợ nần.
Doanh số bán bất động sản cơ bản ở Trung Quốc đã tăng đột biến trong sáu tháng đầu tiên sau khi Covid-19 xuất hiện. Việc thị trường này không bị suy yếu, thậm chí vẫn mạnh lên, theo Darby nói, có thể là "vật cách nhiệt" cho nền kinh tế Trung Quốc. Nếu thị trường bất động sản lao dốc như suy thoái năm 2008, thường sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng nợ, ảnh hưởng tới thanh khoản của thị trường tài chính ngân hàng.
Đức Minh