Vietstock - Bán tháo vẫn chưa dứt, Dow Jones tương lai sụt hơn 600 điểm, chứng khoán châu Âu giảm hơn 2%
Làn sóng bán tháo dữ dội đang lan rộng trên các thị trường tài chính toàn cầu, khi nỗi lo về suy thoái kinh tế Mỹ chiếm lấy tâm trí nhà đầu tư. Sau châu Á, tâm điểm chú ý chuyển sang Phố Wall và châu Âu, nơi các chỉ số chứng khoán hàng đầu đang chìm trong sắc đỏ.
Tính tới lúc 16h ngày 05/08 (giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 600 điểm, tương đương mức sụt giảm 1.5%. Đồng thời, hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq-100 cũng lần lượt mất 2.1% và 3.4%.
Đà giảm này diễn ra sau một tuần đầy biến động trên Phố Wall. Chỉ số Nasdaq Composite, vốn là nơi trú ngụ của các cổ phiếu công nghệ, đã rơi vào vùng điều chỉnh sau khi giảm hơn 10% so với mức đỉnh được thiết lập vào tháng trước. S&P 500 cũng không khá khẩm hơn khi ghi nhận tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp, mất 2% trong tuần.
Ngay cả Dow Jones cũng phải chấm dứt chuỗi tăng điểm 4 tuần liên tiếp với mức giảm 2%.
Ngày kinh hoàng của chứng khoán Nhật Bản
Nhìn sang châu Á, bức tranh xấu đi thấy rõ trong ngày 05/08. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã chính thức bước vào thị trường gấu. Chỉ số Nikkei 225 - chỉ số chứng khoán hàng đầu của Nhật Bản - đã có một ngày giao dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay, với mức sụt giảm chóng mặt 12.4%. Mức giảm 4,451.28 điểm của Nikkei 225 đã đi vào lịch sử như một kỷ lục đáng buồn.
Không chỉ riêng thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng chứng kiến những biến động mạnh. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 3.79%, thấp hơn đáng kể so với mức 4.2% của tuần trước.
Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại Truist Wealth, đã chia sẻ quan điểm của mình về tình hình hiện tại: "Tôi nghĩ thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng xu hướng tăng của thị trường vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ là sẽ mất một chút thời gian để vượt qua giai đoạn biến động này”.
Trong khi đó, tại châu Âu, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Chỉ số Stoxx 600 - đại diện cho 600 công ty lớn nhất châu Âu - đã giảm 2.2% ngay từ đầu phiên giao dịch. Các lĩnh vực như công nghệ, dầu khí và khai khoáng đều hứng chịu tổn thất nặng nề.
Chỉ số VIX (HM:VIX) - được biết đến là "chỉ số sợ hãi" của thị trường - đã tăng vọt lên 41.65, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Điều này phản ánh nỗi lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư về triển vọng kinh tế.
Trong khi cơn bão đỏ càn quét các thị trường, một số cổ phiếu đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Apple (NASDAQ:AAPL) - gã khổng lồ công nghệ từng được Warren Buffett ưu ái - đang phải đối mặt với áp lực bán ra đáng kể. Việc Berkshire Hathaway của ông Buffett đã bán gần một nửa cổ phần tại Apple đang khiến nhiều người đặt câu hỏi về triển vọng tương lai của công ty này.
Trong bối cảnh đầy thách thức, các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào những dữ liệu kinh tế sắp được công bố. Chỉ số PMI Dịch vụ ISM tháng 7 của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào ngày 05/08. Các chuyên gia dự đoán chỉ số này sẽ tăng lên 50.9 từ mức 48.8 trước đó, với hy vọng rằng đây có thể là tín hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi.
Ngoài ra, giới đầu tư còn quan sát động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed trong tuần trước đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là sau khi báo cáo việc làm gần đây không đạt kỳ vọng. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng Fed có thể đã mắc sai lầm khi không giảm lãi suất, và điều này có thể đẩy nhanh quá trình suy thoái kinh tế.
Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hawaii Executive Collaborative sau giờ đóng cửa phiên ngày 05/08. Những nhận định của bà về tình hình kinh tế hiện tại và hướng đi của chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ được các nhà đầu tư theo dõi sát sao.
Vũ Hạo (Theo CNBC, Bloomberg)