Vietstock - Apple (NASDAQ:AAPL) bị cấm bán iPhone 16 tại đất nước đông dân thứ 4 thế giới
Indonesia đã cấm Apple bán những mẫu iPhone mới nhất tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, với lý do công ty này chưa đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa 40% đối với smartphone và máy tính bảng, theo thông báo của Bộ Công nghiệp vào ngày 25/10. Các sản phẩm cũ hơn của Apple vẫn có thể được bán tại Indonesia.
Đây là một trở ngại đáng kể với Apple tại một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực. Indonesia, với quy mô kinh tế 1,000 tỷ USD, sở hữu dân số trẻ và ngày càng am hiểu công nghệ. Thống kê cho thấy nước này có tới hơn 350 triệu điện thoại di động đang hoạt động, vượt xa con số dân số 270 triệu người. Hiện Apple xếp ngoài top 6 thương hiệu điện thoại thông minh tại Indonesia.
Hồi đầu tháng 10, Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết rằng Apple mới chỉ đầu tư 1.5 ngàn tỷ Rupiah (95 triệu USD) tại Indonesia, thấp hơn cam kết 1.7 ngàn tỷ Rupiah. Apple đã xây dựng 4 học viện dành cho nhà phát triển trong nước thay vì thành lập cơ sở sản xuất địa phương, mặc dù Giám đốc điều hành Tim Cook nói hồi tháng 4 rằng công ty đang xem xét tính khả thi của việc này.
Các nhà sản xuất điện thoại đối thủ như Samsung Electronics Co. và Xiaomi Corp. đã thành lập nhà máy tại Indonesia để tuân thủ quy định của Indonesia. Từ năm 2017, nước này đã áp dụng quy định về tỷ lệ nội địa hóa, buộc các nhà sản xuất điện thoại phải đáp ứng thông qua việc thiết lập nhà máy, tìm nguồn nguyên liệu hoặc tuyển dụng lao động địa phương.
Trong quá khứ, Indonesia nhiều lần sử dụng các hạn chế thương mại để thúc đẩy các công ty nước ngoài sản xuất nhiều hàng hóa hơn tại nước nhà, nhưng mang lại nhiều kết quả trái chiều.
Chính phủ đã siết chặt quy định nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng trong năm nay, dẫn đến tình trạng thiếu hụt các mặt hàng như laptop và lốp xe, đồng thời gây ách tắc tại các cảng. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu quặng khoáng sản như niken đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành pin.
Hiện tại, khoảng 9,000 chiếc iPhone 16 đã vào Indonesia thông qua con đường xách tay hoặc bưu điện. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ được phép sử dụng cá nhân và không được phép kinh doanh. Ngay cả với hình thức này, người dùng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Từ năm 2020, Indonesia yêu cầu tất cả điện thoại mua từ nước ngoài phải đăng ký với Chính phủ và phải chịu thuế cao.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)