Vietstock - 3 lý do cho thấy vì sao Ngân hàng Trung ương Anh nên nâng lãi suất
Năm 2007 dường như là một thời điểm cách đây đã lâu. Nhưng đó là lần cuối cùng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nâng lãi suất. Ngày 05/07 là “kỷ niệm 10 năm” của lần nâng lãi suất cuối cùng ấy. Kể từ đó, ngân hàng này chỉ toàn cắt giảm lãi suất.
Đúng là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) còn duy trì điều đó thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, cả một thập kỷ không tăng lãi suất lần nào là quá lâu đối với một ngân hàng trung ương lớn. Nó có nguy cơ tạo ra sự tự mãn ở người đi vay, phá hủy văn hóa tiết kiệm, và “bóp méo” giá trị tài sản, mà đau đớn nhất là trong lĩnh vực nhà đất. Đã đến lúc ngân hàng này cần phải tăng lãi suất, chỉ là để cho thấy rằng họ vẫn còn có thể.
Khi Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) nhóm họp vào tháng 7/2007, kinh tế toàn cầu khi ấy trông rất khác. Toàn cầu hóa đang tiếp thêm năng lượng cho tốc độ tăng trưởng. Các ngân hàng đang cho vay “điên cuồng”. Tiền lương thực tế đang tăng, và lợi nhuận của các công ty đang mạnh hơn. BoE chủ yếu chỉ lo lắng về chuyện tiền lương, giá cả và nhà đất có thể bị mất kiểm soát, do vậy họ đã tăng lãi suất lần thứ 5 chỉ trong chưa đầy 12 tháng.
Nguồn: MarketWatch
|
Nhưng kể từ đó, họ đã không tăng thêm lần nào nữa, mà chỉ toàn giảm và xuống chỉ còn 0.5% vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009, và tiếp tục giảm thêm 0.25% nữa sau sự kiện nước Anh bỏ phiếu chọn cách rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Dẫu vậy, suốt 120 cuộc họp của MPC, hay 240 ngày thảo luận rất nghiêm túc về tình trạng của nền kinh tế Anh, vẫn không có đợt tăng lãi suất nào nữa.
Trong số 4 ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, trong đó phải thừa nhận rằng BoE là thành viên “trẻ tuổi” nhất, hiếm khi có trường hợp không nâng lãi suất lâu như thế. Vâng, BoJ đã giữ lãi suất thấp lâu hơn, nhưng chỉ hơn chút đỉnh. Lần cuối cùng họ tăng lãi suất là vào tháng 2/2007, khi đó họ nâng lãi suất lên 0.5%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất 2 lần vào năm 2011. Còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì vừa mới tăng lãi suất hồi tháng trước. Những ngân hàng trung ương nhỏ hơn khác cũng tỏ ra năng động hơn. Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã tăng lãi suất cách đây 7 năm, và Ngân hàng Trung ương Australia (RBoA) cũng thế. Không có lý do gì để nước Anh tỏ ra “đơn độc” trong việc không tăng lãi suất suốt một quãng thời gian dài.
Đúng vậy, có những lý do hợp lý cho chuyện đó. Vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, sự kiện ảnh hưởng nặng nề đến Anh cũng như bất kỳ nền kinh tế nào, dĩ nhiên là cần phải có một phản ứng cực đoan. Nước Anh đã phải mất một thời gian dài để cải thiện tình hình trở lại từ sự kiện đó. Quyết định rời khỏi EU đã khiến kinh tế nước này rơi vào hỗn loạn, và họ có thể phải cần nhiều sự kích thích hơn để vượt qua những năm sắp tới. Nhưng ngay cả thế thì một thập kỷ cũng là quãng thời gian quá dài. Nước Anh đang tạo ra những rủi ro cho chính mình theo 3 cách sau đây:
Thứ nhất, lãi suất thấp đang tạo ra sự tự mãn. Một người sở hữu nhà nhưng vẫn còn mắc nợ có thể dễ dàng bước sang tuổi 40 mà không phải hứng chịu một đợt tăng lãi suất nào. Một Giám đốc tài chính có thể đã trải qua 2 hoặc 3 công việc mà không hề phải tốn công sức xử lý vấn đề vay mượn đắt đỏ hơn.
Chắc chắn rằng đã có nhiều lời cảnh báo về việc nâng lãi suất tất yếu sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, và cách mà mọi người cũng như các công ty phải chuẩn bị cho điều đó. Tuy vậy, điều đó không giống với việc thấy nó trong đời thực. Ở một mức độ nào đó, mọi người sẽ quên rằng lãi suất từng được nâng lên, thế là họ sẽ đổ xô đi vay như thể điều đó sẽ không xảy ra. Cuối cùng, khi lãi suất tăng, chuyện đó sẽ đến như một cú sốc khổng lồ, và nhiều hộ gia đình cũng như doanh nghiệp sẽ không biết cách đương đầu.
Thứ hai, nó phá hủy văn hóa tiết kiệm. Tỷ lệ tiết kiệm của Anh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 40 năm qua, và người Anh chưa bao giờ là những người tiết kiệm nhiều. BoE hiện đang cảnh báo về việc người dân nước này đang “ôm” quá nhiều nợ. Nhưng họ mong đợi gì với mức lãi suất và một ít trí nhớ về việc chúng từng tăng như thế? Chẳng có ý nghĩa gì nhiều trong việc tiết kiệm khi bạn kiếm được rất ít từ số tiền của mình. Tuy nhiên, về trung hạn, một nền kinh tế cần phải tiết kiệm và đầu tư để được thịnh vượng.
Cuối cùng, nó bóp méo các thị trường tài chính, buộc chặt các công ty với những món nợ lãi suất thấp và đẩy giá tài sản lên, mà đáng chú ý là nhà đất. Một ngôi nhà tầm trung giờ đây có giá 211,000 bảng Anh, gấp 7 lần so với mức lương trung bình, và tỷ lệ đó đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Đó là mức cao nhất mọi thời đại. Các khoản vay với lãi suất thấp đang “tiếp thêm nhiên liệu” cho một cuộc bùng nổ giá tài sản, nhưng cái giá của việc đó là nhiều người không thể mua nổi nhà, và điều đó cũng không phải là tốt.
Hiện có những tranh luận tốt được đưa ra để mang lại sự ổn định trong chính sách tiền tệ, nhưng điều này đang khiến cho nó trở nên quá cực đoan. Dù nước Anh phải chịu hậu quả của Brexit, và dù tăng trưởng có thể trông ì ạch trong năm nay, nhưng nền kinh tế Anh hiện vẫn ổn định ở mức hợp lý. Số lượng việc làm đang ở mức kỷ lục, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang mạnh và giá nhà ổn định. Nền kinh tế Anh không hẳn là “tuyệt vời” nhưng cũng không phải đang trải qua bất kỳ tình trạng “khẩn cấp” nào.