Investing.com -- Tại chương trình "The Investors – Người Đầu Tư", bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE đã chia sẻ những lý do khiến doanh nghiệp giảm nhu cầu lên sàn.
Cụ thể, trả lời câu hỏi về vệc vì sao thời gian gần đây số lượng các doanh nghiệp mới lên niêm yết hoặc IPO rất ít, nhiều công ty rất lớn – nằm trong Top đầu về nộp ngân sách Nhà nước nhưng vẫn ở dạng "ngoài sàn". Bà Mai Thanh cho biết, lợi ích nổi bật của việc đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.
Thế nhưng, huy động vốn trên sàn chứng khoán đòi hỏi khá chặt chẽ: phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký, quy trình, giải thích việc sử dụng nguồn vốn huy động…
Trong khi đó, vài năm gần đây, huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu thuận lợi hơn nhiều, cam kết với nhà đầu tư có vẻ cũng dễ dàng hơn.
Vì thế, doanh nghiệp lựa chọn phát hành trái phiếu thay vì niêm yết để huy động vốn qua cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Vị Chủ tịch của REE (HM:REE) cũng cho biết, hàng hoá là yếu tố cần thiết đầu tiên để hình thành nên TTCK, không có cổ phiếu thì đâu có cái chợ này. Nếu hàng hoá không tăng thêm thì cái chợ cũng khó sôi động hơn.
Ở đây, tiếng nói của người đầu tư rất quan trọng, mang tính chất quyết định. Nếu họ muốn doanh nghiệp lên sàn để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu thì người đầu tư phải nói lên yêu cầu của mình, và doanh nghiệp sẽ phải lắng nghe.
Còn việc nhiều công ty rất lớn vẫn ở dạng "private", nằm ngoài sàn khiến cho TTCK Việt Nam chưa thực sự trở thành hàn thử biểu phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế. Thực tế, các bộ chỉ số như VN30, VN50 hiện nay không đủ những thành phần, ngành nghề của nền kinh tế. VN30 chủ yếu là ngân hàng, bất động sản - phải đến 80%.
Chỉ số này gần như chỉ phản ánh ngành ngân hàng, bất động sản, không phản ánh những ngành nghề chủ yếu khác của nền kinh tế. Tại sao mình không cấu trúc VN30, VN50 hay VN100 gồm những ngành kinh tế khác nhau để ít nhất cho người ta thấy nó như hàn thử biểu của nền kinh tế?