Quý 4/2022, sản lượng vận tải thấp, giá cước giảm, trong khi, giá dầu nhiên liệu tăng đã khiến lợi nhuận của HAH thụt lùi. CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022 với mức doanh thu và lợi nhuận năm cao kỷ lục.
Tính riêng quý 4/2022, HAH ghi nhận doanh thu thuần đạt 845 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ phần lớn đến từ hoạt động khai thác tàu. Tuy nhiên, giá vốn tăng đến 71% khiến biên lãi gộp giảm từ 50% xuống còn 32%.
Nguồn: BCTC HAHTrong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng đến gần 4 lần đạt xấp xỉ 44 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ là cổ tức, lợi nhuận được chia. Đồng thời, chi phí tài chính cũng tăng gần 6 lần lên mức 52,5 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỉ giá, chênh lệch đánh giá lại các khoản mục đầu tư.
Kết quả, Xếp dỡ Hải An báo lãi sau thuế 189,5 tỷ đồng tỷ đồng, giảm 30% so với quý 4/2021. HAH cho biết lợi nhuận đi lùi là ro sản lượng vận tải thấp, giá cước giảm, trong khi, giá dầu nhiên liệu tăng. Bên cạnh đó, tàu West và tàu Mind lên đà định kỳ vào tháng 11 và tháng 12 năm 2022 nên lợi nhuận từ hoạt động cho thuê tàu giảm. Ngoài ra, lợi nhuận ghi nhận từ các công ty liên kết kỳ này giảm do Công ty TNHH đại lý và tiếp vận Hải An trở thành công ty con.
Lũy kế cả năm 2022, HAH mang về 3.205 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.051 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 1,6 lần và gấp 1,9 lần so với năm 2021. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động của HAH. Với kết quả này, Hải An đã thực hiện vượt 34% kế hoạch doanh thu và vượt 91% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Hải An tăng 57% so với đầu năm lên 5.106 tỷ, phần lớn đến từ mức tăng của tài sản cố định do đầu tư tàu. Dư nợ vay ở mức 2.168 tỷ đồng, tăng 63%. Trong đó, Hải An nợ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam gần 924 tỷ đồng (bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn) của CTCP Đầu tư Sao Á D.C là 77 tỷ đồng.