Theo Ambar Warrick
Investing.com - Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng vào thứ Tư trong bối cảnh gia tăng suy đoán rằng chính phủ sẽ nới lỏng chính sách Zero-COVID nghiêm ngặt đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này trong năm nay.
Chỉ số blue-chip Shanghai Shenzhen CSI 300 tăng 0,8%, chỉ số Shanghai Composite cũng tăng. Cả hai chỉ số này tăng lần lượt 3,6% và 2,6% vào thứ Ba, do có tin đồn rằng Bắc Kinh đang xem xét việc nới lỏng một số biện pháp hạn chế COVID trong nước.
Nhu cầu mua giá tốt cũng đóng một vai trò quan trọng trong đợt tăng này, với chỉ số CSI 300 phục hồi từ mức thấp nhất trong 31 tháng.
Chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông cũng được hưởng lợi từ những tin đồn, tăng 5,2% vào thứ Ba và tăng 1,7% vào thứ Tư. Chỉ số này đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 13 năm.
Suy đoán về việc thu hẹp quy mô của chính sách Zero-COVID phần lớn là do những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội. Một số báo cáo cho rằng Bắc Kinh đang xem xét động thái này do dư luận có nhiều lời lẽ phản đối chính sách này, cũng như gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Quốc gia này được cho là có ý định mở cửa trở lại vào tháng 3 năm 2023 và dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào thứ Sáu để quyết định về các bước đầu tiên của kế hoạch. Các báo cáo hôm thứ Tư cho biết nước này có kế hoạch trước tiên là giảm thời gian cách ly, mở lại các chuyến bay quốc tế và giao quyền đối với các biện pháp COVID cho chính quyền khu vực.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn phủ nhận một động thái như vậy. Chủ tịch Tập Cận Bình, người gần đây đã nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, cũng nhắc lại rằng Bắc Kinh không có kế hoạch thu hẹp quy mô chính sách COVID.
Chính sách zero-COVID của Trung Quốc là trọng tâm của những khủng hoảng kinh tế của đất nước trong năm nay, khi một loạt các vụ đóng cửa tại các trung tâm công nghiệp lớn khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ. NDT cũng bị lỗ nặng do suy thoái và giao dịch gần mức thấp nhất trong 15 năm trong tuần này.
Những lo ngại về một đợt phong tỏa mới cũng làm chao đảo thị trường Trung Quốc trong tháng 10, sau khi bùng phát tại thủ đô tài chính Thượng Hải. Dữ liệu hoạt động kinh doanh được công bố trong tuần này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn chịu áp lực bất chấp sự phục hồi trong quý 3.