Investing.com -- Sau 'lùm xùm' liên quan tới lãnh đạo cao cấp, cổ phiếu Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, chỉ được mua bán vào chiều thứ 6 hàng tuần. Phản ứng với tin cổ phiếu vào diện hạn chế giao dịch, nhà đầu tư đua nhau bán tháo LTG trong phiên 22.10, khiến thị giá LTG giảm kịch sàn xuống 8.100 đồng/cp, cùng khối lượng khớp lệnh hơn 4,3 triệu cổ phiếu, đặc biệt dư bán giá sàn vẫn còn hơn 775 ngàn cổ phiếu.
Trong ngày 21.10.2024 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Lộc Trời vào diện hạn chế giao dịch. Nguyên nhân do công ty đã chậm nộp BCTC Bán niên 2024 soát xét quá 45 ngày so với thời hạn phải công bố thông tin.
Với quyết định hạn chế giao dịch này, cổ phiếu LTG sẽ chỉ còn được giao dịch trong phiên thứ sáu hàng tuần kể từ ngày 24.10 tới đây.
Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời từng có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đề nghị cho công ty được gia hạn thêm thời gian nộp BCTC Bán niên 2024. Nguyên nhân được đưa ra do đơn vị vừa có sự biến động về nhân sự chủ chốt dẫn tới ngày 19.8.2024 vừa qua LTG mới hoàn thành ký kết hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2024.
Trước thông tin trên, cổ phiếu LTG đã ngay lập tức có nhịp giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 21.10, từ mức giá 9.400 đồng/cổ phiếu giảm còn 8.100 đồng/cổ phiếu. Tình trạng "trắng bên mua" đã xuất hiện. So với thị giá cao nhất từng đạt được, thị giá cổ phiếu LTG đã giảm gần 80%.
Những lùm xùm về lãnh đạo cấp cao
Những rắc rối của Lộc Trời diễn ra trong bối cảnh cơ cấu lãnh đạo cấp cao có nhiều biến động. Vào tháng 7.2024, Tập đoàn Lộc Trời đã miễn nhiệm chức danh TGĐ với ông Nguyễn Duy Thuận. Đồng thời giao cho ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT tạm thời điều hành cho đến khi công ty bổ nhiệm được CEO mới.
Sự việc chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 7.2024, Tập đoàn Lộc Trời đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh An Giang thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với ông Nguyễn Duy Thuận. Lý do được Lộc Trời đưa ra là ông Thuận né tránh, thiếu trách nhiệm trong việc bàn giao và có dấu hiệu xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm.
Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang sau đó đã ban hành công văn số 4902 cho biết đã nhận được công văn về vấn đề trên của Tập đoàn lộc Trời và có ý kiến chuyển công an tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Lộc Trời thua lỗ 96 tỷ đồng, dòng tiền âm 434 tỷ đồng
Rắc rối liên quan tới lãnh đạo đơn vị đã khiến không chỉ hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng mà tới thời điểm hiện tại đơn vị vẫn chưa công bố BCTC Quý 2.2024.
Trong quý đầu năm, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn rất cao khiến lãi gộp chủ còn 245 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 6,4%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ mang về 33 tỷ đồng với phần lớn là lãi tiền gửi. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại chiếm tới 189 tỷ đồng. Riêng phần lãi vay chiếm 127 tỷ đồng cho thấy sức ép từ các khoản nợ đối với Lộc Trời.
Bên cạnh đó, Lộc Trời vẫn phải gánh thêm các chi phí hoạt động bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lần lượt chiếm 137 tỷ đồng và 105 tỷ đồng. Kết quả công ty lỗ 96 tỷ đồng ngay trong Quý 1.2024 dù doanh thu tăng mạnh.
Kinh doanh thua lỗ dẫn tới dòng tiền bị ảnh hưởng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Lộc Trời âm 434 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái thậm chí còn âm 2.710 tỷ đồng. Lượng tiền mặt trên BCTC Quý 1 cũng chỉ còn 106 tỷ đồng. So với đầu năm, lượng tiền mặt của doanh nghiệp đã giảm tới 5 lần.
Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng nợ tiền lúa của người nông dân An Giang. Trước đó vào đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã thông báo về việc Tập đoàn Lộc Trời nợ tiền mua lúa của 900 hộ nông dân, tổng nợ lên tới 245 tỷ đồng.