Theo Dong Hai
Investing.com - Sau khi đề xuất việc đầu tư dự án cảng biển Bãi Gốc và hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm với tổng vốn đầu tư ước tính 120.000 tỷ đồng từ hơn một năm trước, Tập đoàn Hòa Phát (HM:HPG) đã đưa ra ý tưởng bố trí mặt bằng khu vực xây dựng cảng Bãi Gốc với UBND tỉnh Phú Yên vào tháng 9 vừa qua như một động thái cụ thể hóa mong muốn đầu tư của tập đoàn này.
Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên xác nhận, tới thời điểm hiện tại các sở ngành địa phương vẫn chưa nhận được hồ sơ tài liệu cụ thể về các dự án mong muốn đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát cũng như chưa gửi hồ sơ đề xuất tới Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Bên cạnh đó, việc trình bày ý tưởng mặt bằng của Hòa Phát vào tháng 9 vừa qua chỉ mang tính đối chiếu với quy hoạch hàng hải, tức quy hoạch chuyên ngành. Còn lại, sau khi quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên vừa được duyệt, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng kế hoạch cụ thể với danh mục dự án mời gọi, thu hút đầu tư, nên đề xuất của các nhà đầu tư như Hòa Phát hiện chưa có gì cụ thể.
Có thể nói, việc Tập đoàn Hòa Phát đặt vấn đề rót 120.000 tỷ đồng Khu kinh tế Nam Phú Yên từ năm trước đã cho thấy tầm nhìn của nhà đầu tư, khi đối chiếu định hướng quy hoạch của địa phương cũng như bối cảnh siêu dự án lọc hóa dầu Vũng Rô (với 133ha sử dụng đầu tư cảng Bãi Gốc) đã bị rút giấy phép đầu tư vài năm trước.
Cảng Bãi Gốc được quy hoạch với chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu hình thành và phát triển khu công nghiệp Hòa Tâm, gắn với công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp cảng biển, có bến tổng hợp với diện tích khoảng 200ha, tàu trọng tải khoảng 200.000-250.000DWT.
Bên cạnh đó, giá trị của cảng Bãi Gốc càng rõ nét trong hướng phát triển trọng tâm thời gian tới của địa phương nói chung và Khu kinh tế Nam Phú Yên nói riêng.
Theo đó, quy hoạch thời kỳ mới của Phú Yên dự kiến phát triển công nghiệp trên quỹ đất thuận lợi về xây dựng, gắn với sự hình thành và phát triển cảng nước sâu Vũng Rô, Bãi Gốc. Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp lọc, hoá dầu, các ngành công nghiệp khai thác lợi thế gần cảng biển và các ngành công nghiệp khai thác nguồn nguyên liệu từ các vùng lân cận trong nước và quốc tế.
Thực tế, việc Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 cách đây hơn một tuần cho thấy tầm nhìn xa của Tập đoàn Hòa Phát.
Theo đó, một trong năm mục tiêu quy hoạch là trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng… vào khu công nghiệp Hòa Tâm.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Bãi Gốc - Đông Hòa thuộc nhóm cảng biển số 3; chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu hình thành và phát triển Khu công nghiệp Bãi Gốc, liên hiệp lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí.
Sáu tháng trước, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất danh mục 4 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm: cảng Bãi Gốc, khu công nghiệp Hòa Tâm; khu liên hợp gang thép Hòa Phát và khu thương mại - dịch vụ.
Tập đoàn này dự kiến tiến độ thực hiện khoảng 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất.
Khoảng hơn một tháng trước, việc UBND tỉnh ra quyết định thu hồi gần 134ha đất dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô được cho là tín hiệu đáng mừng đối với những nhà đầu tư có tham vọng bước vào cảng nước sâu Bãi Gốc và khu công nghiệp Hòa Tâm để phát huy đúng sở trường về công nghiệp, luyện kim như Hòa Phát.
Dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô được UBND tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2007 cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm với quy mô công suất 8 triệu tấn/năm, diện tích sử dụng đất 538ha, trong đó. đất xây dựng nhà máy 404ha; đất xây dựng cảng Bãi Gốc 134ha.
Do khó khăn về nhiều mặt, nhà đầu tư đã đề nghị chấm dứt hoạt động dự án và được UBND tỉnh thu hồi chứng nhận đăng ký đầu tư dự án năm 2018.
Như vậy, việc thu hồi chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên cạn dự án lọc hóa dầu Vũng Rô đã mở đường cho các nhà đầu tư khác giàu tham vọng có thể có được mặt bằng diện tích lớn để đặt nhà máy.