Theo Hoang Nhan
Investing.com - Thị trường liên tục gặp áp lực chốt lời vào cuối tuần trước khiến các nhà đầu tư vẫn đang giữ cổ phiếu đứng ngồi không yên. Trong phiên hôm nay, dù nhiều cổ phiếu giảm mạnh từ đầu phiên, lực cầu từ thị trường vẫn tương đối yếu ở vùng giá hiện tại. Điều này càng khiến tâm lý thị trường trở nên kém vững vàng và hệ quả là các nhà đầu tư bắt đầu tăng áp lực bán vào phiên chiều. Đẩy chỉ số giảm sâu và là mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, VN-Index giảm 26.18 điểm (-1.94%) xuống 1,324.99 điểm HNX-Index giảm 6.62 điểm (-1.84%) xuống 353.01 điểm. UPCOM-Index giảm 2.31 điểm (-2.36%) xuống 95.76 điểm. Toàn sàn có 218 mã tăng, 235 mã giảm và 64 mã đứng giá.
Thanh khoản trên cả 3 sàn tăng trở lại so với phiên cuối tuần trước nhờ áp lực bán ồ ạt vào cuối phiên, nhưng vẫn ở mức trung bình. Tổng giá trị giao dịch đạt 26.9 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.04 tỷ cổ phiếu. Riêng sàn HoSE ghi nhận thanh khoản 21.7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 2.3 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng thanh khoản của nhóm VN30 tăng nhẹ lên 40% tổng thanh khoản của HoSE.
Khối ngoại bán ròng 254.56 tỷ đồng trên HoSE. Khối này đang liên tục mua/bán ròng xen kẽ trong các phiên gần đây, với giá trị trong các phiên bán ròng thường cao hơn. Các mã bị bán ròng mạnh nhất có HPG (HM:HPG), VIC (HM:VIC), VND (HM:VND), VCI (HM:VCI), SSI (HM:SSI),... Ở chiều ngược lại, các mã được mua ròng nhiều nhất có VNM (HM:VNM), VHM (HM:VHM), KBC (HM:KBC),...
Về mặt kỹ thuật, VN-Index giảm sâu và vi phạm một loạt các ngưỡng hỗ trợ. Chỉ số cắt xuống dưới các đường trung bình động 50 ngày và 100 ngày cho tín hiệu xấu. VN-Index cũng đồng thời rơi ra ngoài hộp giá trong vùng 1,330-1,350 điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày cho thấy áp lực bán mạnh trong phiên. VN-Index đang tiến đến sát cạnh dưới của mô hình tam giác cân hình thành từ đầu tháng 7 ở mốc 1,320 điểm. Trong trường hợp chỉ số vượt khỏi mốc này, vùng 1,300-1,310 sẽ là hỗ trợ gần nhất. Chỉ báo RSI quay đầu sau khi chạm kênh giảm từ tháng 6, chỉ báo vẫn đang nằm trên đường hỗ trợ 40 điểm. Tính từ tháng 3/2020, thị trường đều ghi nhận đợt giảm mạnh tất cả các lần RSI xuống dưới mốc 40 điểm.
Số mã giảm sàn tăng mạnh trên toàn thị trường trong phiên hôm nay. Con số này lần lượt là 48, 36, 25 trên HoSE, HNX và UPCOM. Chiếm phần lớn trong số này là loạt cổ phiếu mang nặng tính đầu cơ như FTM, YBM, ASM (HM:ASM), BMC, JVC,.. hay các cổ phiếu họ Louis nổi lên trong cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Đây là một điều đã được cảnh báo trước. Mặc dù con sóng penny đã đem lại cho nhiều nhà đầu tư khoản lợi nhuận khủng, nhưng cũng có không ít nhà đầu tư tới trễ và phải chịu nhìn cổ phiếu của mình giảm sàn nhiều phiên liên tiếp mà không có lệnh mua đối ứng. Hiện thị trường đang tương đối hoang mang khi không có nhiều tin tức hỗ trợ. Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế được dự báo kém khả quan trong quý 3 cũng khiến các nhà đầu tư chùn tay trước quyết định giải ngân. Lực cầu yếu có thể xem là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm mạnh trong phiên hôm nay.
Nhóm ngành Tài chính gồm các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm,... giảm mạnh nhất trong phiên hôm nay. Nếu xét về mặt biên độ, nhóm chứng khoán ghi nhận mức giảm lớn nhất với WSS (-9.9%), PSI (-9.7%), BMS (-9.4%), HBS (-9.3%), TCI (-9.3%), APG (-6.8%),... thậm chí các cổ phiếu lớn như VCI (-6.4%), hay SHS (HN:SHS) (-6.2%) cũng giảm mạnh trước áp lực bán ồ ạt trên toàn thị trường. Các cổ phiếu chứng khoán thường ghi nhận giao dịch đồng pha với thị trường, do đó trong các nhịp điều chỉnh, đây cũng thường xuyên là nhóm cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh nhất.
Trong khi đó, ngành Vận tải là ngành duy nhất ghi nhận sắc xanh trong phiên. Một số cổ phiếu có mức tăng tốt như VMS (+3.6%), VOS (+6.9%), TCO (3.2%), VJC (HM:VJC) (+3.2%),... Ngành vận tải có tín hiệu phản ứng với các tin tích cực về việc thành phố Hà Nội tích cực mở cửa trở lại và kế hoạch mở cửa dần và nới lỏng giãn cách của thành phố Hồ Chí Minh dự kiến diễn ra đầu tháng 10.
Thời gian gần đây, khối ngoại có xu hướng bán ròng khá mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng tuần giao dịch 20-24/9, khối ngoại đã bán ròng 822 tỷ đồng trên HoSE, qua đó nâng lượng bán ròng từ đầu tháng 9 tới nay lên hơn 8.500 tỷ đồng. Đà bán ròng của khối ngoại từ đầu tháng 9 tới nay có sự góp phần không nhỏ từ các quỹ ETF, khi DCVFM VNDiamond ETF và FTSE Vietnam ETF đều ghi nhận rút vốn ròng trong tháng.
Tính từ đầu tháng 9 tới nay, dòng vốn rút khỏi quỹ FTSE Vietnam ETF lên tới xấp xỉ 48 triệu USD (khoảng 1.090 tỷ đồng), biến FTSE Vietnam ETF thành quỹ ETF bị rút vốn mạnh nhất thị trường Việt Nam tính từ đầu tháng. Thống kê quá khứ cho thấy biến động thị trường có sự đồng pha với xu hướng dòng vốn ETF. Việc các quỹ ETF đang bị rút mạnh trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng lưu ý với giới đầu tư.