Vietstock - Ông Hồ Quang Cua bảo vệ thành công thương hiệu gạo ST25 tại Australia
Ba nhãn hiệu của kỹ sư Hồ Quang Cua đối với gạo ST24 và ST25 đã chính thức được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Australia vào ngày 27/9.
Ông Hồ Quang Cua bên sản phẩm gạo ST25. Ảnh: Việt Tường. |
Bộ Công Thương vừa cho biết Cơ quan quản lý Sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia) đã công bố vụ việc đăng ký nhãn hiệu gạo ST24, ST25 với nội dung: "Hết hiệu lực/Không bảo vệ - Lapsed/Not Protected". Điều này có nghĩa việc đăng ký thương hiệu gạo ST24, ST25 "Rice; Best Rice of The World" của Công ty T&L đã không thành công, không được đăng ký.
Đồng thời, Cục này thông báo 3 nhãn hiệu của kỹ sư Hồ Quang Cua đối với gạo ST24 và ST25 đã chính thức được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Australia vào ngày 27/9 vừa qua.
Ngày 22/4/2021 trước đó, Cục Sở hữu trí tuệ của Australia đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhãn hiệu "Gạo; Gạo ngon nhất thế giới - Rice; Best Rice of The World" ST24, ST25 của Công ty T&L Global Foods Supply Pty Ltd.
Ngay sau đó, tháng 5/2021, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã thông tin và gửi công hàm tới IP Australia phản đối việc đăng ký thương hiệu gạo ST24 và ST25 của Công ty T&L.
Đại diện Thương vụ Việt Nam cũng đã gửi công văn cùng một số tài liệu, hình ảnh liên quan đến IP Australia làm rõ giống lúa tên ST24, ST25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cho rằng vụ việc này là quy trình khách quan theo quy định pháp luật của Australia, đồng thời có sự nỗ lực chung từ nhiều phía gồm các cơ quan truyền thông, các bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước và Thương vụ Việt Nam tại Australia để bảo vệ thương hiệu gạo ST 24, ST25 của doanh nghiệp Việt.
ST25 là giống gạo do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo, được công nhận là giống gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức ở Manila (Philippines). Đến năm 2020, giống gạo này tiếp tục đạt giải nhì.
Trước sản phẩm gạo ST25, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng từng bất ngờ khi biết cà phê Trung Nguyên bị "chuyển hộ khẩu" sang Mỹ, hay mít sấy Vinamit bị đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc. Tình huống tương tự cũng xảy ra với nước mắm Phú Quốc, bia Sài Gòn, bánh phồng tôm Sa Giang, võng xếp Duy Lợi ở Mỹ, kẹo dừa Bến Tre...
Thanh Thương