Vietstock - Shinhan Bank: Cắt giảm lãi suất có thể gây ra áp lực tăng giá cả và biến động tỷ giá hối đoái
Bước sang giai đoạn tiếp theo của năm 2024, nền kinh tế và tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng thích ứng với những biến động và tiếp tục phát triển.
Toàn cảnh về nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu, cũng như của Việt Nam trong quý 2/2024 được đưa ra dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế từ Trung tâm Giải pháp và Giao dịch Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc phối hợp cùng Trung tâm Giao dịch Toàn cầu của Ngân hàng Shinhan Việt Nam trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế và Thị trường Tài chính Việt Nam quý 2/2024".
Cần thận trọng trước rủi ro tín dụng khi lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm nay
Do thị trường bất động sản đang suy thoái và gặp nhiều thách thức về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ đã hạ lãi suất và nới lỏng một số quy định về cho vay và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, kèm theo nhu cầu trên thị trường bất động sản giảm, khiến việc giải quyết vấn đề về dòng tiền và thanh khoản của các công ty bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Khi lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn vào năm 2024, cần vô cùng thận trọng trước tình trạng tài chính đang suy yếu của các nhà phát triển bất động sản vốn đã bị tổn thương cũng như sự lan rộng của rủi ro tín dụng
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn từ đầu tháng 3 đến cuối năm 2024 là 258.2 nghìn tỷ đồng, trong đó 38% thuộc nhóm bất động sản với 99.2 nghìn tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng chiếm 21% với 54.4 nghìn tỷ đồng.
Bất chấp các hỗ trợ của chính sách tín dụng như cắt giảm lãi suất, nhu cầu vay vốn vẫn chưa cải thiện
Kinh tế suy thoái khiến nhu cầu tín dụng và các khoản vay mới giảm mạnh, tuy nhiên nhờ các chính sách giảm lãi suất của NHNN và các ngân hàng thương mại nên tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trong quý 4 và đạt 13.8% vào cuối năm 2023.
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Các ngân hàng thương mại đang nỗ lực tăng trưởng tín dụng bằng cách đơn giản hóa các quy định, thủ tục và hạ lãi suất.
Cắt giảm lãi suất có thể gây ra áp lực tăng giá cả và biến động tỷ giá hối đoái
Khi các nước phát triển lớn, trong đó có Mỹ, đã kết thúc đợt tăng lãi suất, thì ở Việt Nam, NHNN có khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Do lượng dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh và áp lực tỷ giá USD/VND tăng cao, NHNN sẽ thận trọng hơn trong các chính sách cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Mặc dù đối mặt nhiều yếu tố rủi ro như giá dầu quốc tế tăng, giá lương thực tăng do biến đổi khí hậu, nhưng khả năng NHNN thay đổi lập trường chính sách tiền tệ là không cao.
Tỷ giá USD/VND tăng, sau đó giảm dần
Tỷ giá USD/VND nửa đầu năm 2024 sẽ vẫn ở mức cao do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như Nhân dân tệ suy yếu do những lo ngại về kinh tế Trung Quốc và các yếu tố nội lực như nhu cầu trong nước trì trệ và tăng trưởng tín dụng thấp.
Dự kiến tỷ giá giảm dần sau khi Ngân hàng trung ương ở các nước lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất và dòng vốn FDI tăng lên.
Tuy nhiên, tốc độ giảm của tỷ giá có thể chậm hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do Fed trì hoãn trong việc cắt giảm lãi suất và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không cải thiện.
Hàn Đông