Vietstock - Sau gần ba tháng, Cảng Quốc tế Lào Việt mới hoàn tất phát hành lô trái phiếu 37.5 tỷ đồng
CTCP Cảng Quốc tế Lào Việt (VLP) thông báo kết quả chào bán lô trái phiếu trị giá 37.5 tỷ đồng, nâng tổng giá trị trái phiếu lưu hành lên gần 260 tỷ đồng.
Lô trái phiếu mã LVPCH2329002, chào bán cho tổ chức chuyên nghiệp với khối lượng 375 tp, mệnh giá 100 triệu đồng/tp, tương ứng giá trị 37.5 tỷ đồng. Lãi suất 9%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần vào thời điểm cuối kỳ. Tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán MB (HNX: HN:MBS).
Trái phiếu phát hành ngày 29/09/2023, hoàn tất ngày 26/12/2023 và sẽ đáo hạn ngày 31/12/2029, tương ứng kỳ hạn 2,284 ngày.
Theo công bố trên HNX, đây là lô trái phiếu thứ hai được VLP phát hành trong năm 2023 và là lô trái phiếu thứ ba đang lưu hành, nâng tổng giá trị lưu hành lên 259.4 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu trước đó lần lượt có mã LVBOND2019-01 trị giá 163.6 tỷ đồng, phát hành ngày 31/12/2019, lãi suất 10.5%/năm và LVPCH2329001 trị giá 58.3 tỷ đồng, phát hành ngày 25/07/2023, lãi suất 9.8%/năm. Cả ba đều chưa phát sinh giao dịch mua lại nào tính đến thời điểm hiện tại và sẽ đồng loạt đáo hạn ngày 31/12/2029.
Về tình hinh kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, VLP có lợi nhuận sau thuế 8 tỷ đồng, cao gấp 2.9 lần cùng kỳ; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 3.3%, cao hơn con số 1.14% của cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/06/2023, vốn chủ sở hữu của VLP đạt 243 tỷ đồng; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2.81 lần, tương ứng dư nợ phải trả 683 tỷ đồng; dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0.67 lần, tương ứng giá trị của lô trái phiếu duy nhất đang lưu hành ở thời điểm đó là LVBOND2019-01, khoảng 163 tỷ đồng.
CTCP Cảng Quốc tế Lào Việt (VLP) thành lập ngày 05/02/2009, với tên gọi khi đó là CTCP Cảng Hà Tĩnh. Vốn điều lệ ban đầu 45 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh sở hữu 53%, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam 38% và phần còn lại thuộc sở hữu người lao động đang làm việc tại Công ty và Doanh nghiệp Tư nhân Hoành Sơn.
Đến ngày 24/05/2011, ĐHĐCĐ họp thành lập nên CTCP Cảng Vũng Áng Việt – Lào, cơ cấu cổ đông có sự góp mặt của Công ty Liên hợp Lào Phát triển Cảng Vũng Áng (CHDCND Lào) sở hữu 20%, Tổng Công ty Dầu Việt Nam sở hữu 17%, Công ty Vận tải Biển Bắc sở hữu 10%, còn lại 53% vẫn thuộc về Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh.
Ngày 04/09/2012, ĐHĐCĐ bất thường họp thông qua việc thay thế hai cổ đông rút khỏi Công ty bao gồm Tổng công ty Dầu Việt Nam và Công ty Vận tải Biển Bắc, thay vào đó là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Ngày 15/12/2017, Công ty đổi tên thành CTCP Cảng Quốc Tế Lào Việt như hiện tại. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Dương Thế Cường.
Trong lần thay đổi vốn điều lệ gần nhất (ngày 02/08/2019), VLP giảm vốn điều lệ từ 1,000 tỷ đồng xuống 235 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm 53%.
Ngày 02/01/2020, ông Nguyễn Anh Tuấn thay thế ông Dương Thế Cường đảm nhiệm vai trò Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
VLP thực hiện quản lý, khai thác tại hai khu cảng chính là Cảng Vũng Áng (bao gồm bến số 1, 2, 3) và Cảng Xuân Hải có năng lực khai thác 6 - 8 triệu tấn hàng mỗi năm, phục vụ giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế, du lịch cho các tỉnh miền Trung, nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan, thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp tối đa 61,671 DWT.
Cảng Vũng Áng do VLP khai thác tại xã Kỳ lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
|
Huy Khải