Theo Lan Nha
Investing.com - Theo cập nhật mới nhất đến ngày 12/1, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF đã bị rút ròng hơn 16 triệu USD (~390 tỷ đồng) từ đầu năm 2024. Hơn 1/4 con số trên tương đương 4 triệu USD (~100 tỷ đồng) là bán ròng trên cổ phiếu Việt Nam.
Tại thời điểm 12/1/2024, quy mô của iShares MSCI Frontier and Select EM ETF đạt gần 500 triệu USD với 18,55 triệu chứng chỉ quỹ. Trong đó bao gồm 55 cổ phiếu Việt Nam chiếm tổng tỷ trọng 26,4%.
Từ đầu năm, ngoại trừ VHC (HM:VHC) có sự gia tăng về số lượng cổ phiếu do trả cổ tức, toàn bộ 54 cổ phiếu Việt Nam còn lại trong danh mục của quỹ đều bị bán ròng. Trong đó, (HM:HPG) là cái tên bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng hơn 1,1 triệu đơn vị, theo sau lần lượt là (HM:DCM), HUT (HN:HUT), VHM (HM:VHM), VIC (HM:VIC),…
Quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF là quỹ ETF chuyên đầu tư vào khu vực cận biên và mới nổi, tiền thân là Ishare MSCI Frontier Markets 100 ETF với chỉ số tham chiếu là MSCI FM 100 Index. Tới tháng 3/2021, quỹ đổi tên thành iShares MSCI Frontier and Select EM ETF như hiện tại và lấy chỉ số MSCI Frontier & Emerging Markets Select Index làm tham chiếu.
Sau giai đoạn hút tiền mạnh 3 tháng đầu năm 2023, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF đã liên tục bị rút vốn trong nhiều tháng. Quỹ hút vốn nhẹ trở lại trong 2 tháng 10-11 trước khi bị rút ròng kỷ lục trong tháng cuối năm ngoái với giá trị gần 106 triệu USD (~2.500 tỷ đồng). Tính chung cả năm 2023, ETF này bị rút ròng hơn 97 triệu USD (~2.300 tỷ đồng).
Về xu hướng dòng vốn ETF, SSI (HM:SSI) Research dự báo trong trung hạn, dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển. Tuy nhiên điều này thường sẽ chỉ xuất hiện sau khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Trong ngắn hạn, sức hấp dẫn của cổ phiếu Việt Nam từ các nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng từ những quy định/kế hoạch mới của Chính phủ nước này giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán nội địa.
Tương tự, BSC Research đưa ra 2 kịch bản cho dòng vốn ngoại và ETF năm 2024 trong đó với kịch bản tích cực, dòng vốn ngoại sẽ tăng ròng 700 triệu USD.
Các yếu tố hỗ trợ được kỳ vọng như (1) chênh lệch lãi suất giữa USD và VND (HM:VND) dần được thu hẹp khi Fed bắt đầu thực hiện giảm lãi suất; (2) tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp do FTSE đánh giá có các tín hiệu tích cực và (3) nhà đầu tư Thái Lan dần hoạt động tích cực trở lại sau khi quy định thuế mới có hiệu lực vào 1/1/2024.
Khi đó, khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng, dòng vốn có thể hướng đến các cổ phiếu có vốn hóa lớn, còn “room ngoại”, đáp ứng tiêu chí thanh khoản, tỷ lệ free-float – sự chuẩn bị đón đầu khi thị trường được nâng hạng. Chiều ngược lại, khối ngoại có thể sẽ bán ròng 200 triệu USD khi kết thúc năm 2024 khi các yếu tố trên không diễn ra thuận lợi.
Nếu dòng vốn ngoại đi theo kịch bản tích cực, nhà đầu tư Thái Lan sẽ dần quay trở lại mua ròng ở các ETF chính sau quy định áp dụng thuế mới, bên cạnh sự chuyển biến và thu hút được nhiều dòng vốn mới trên các ETF nội mới niêm yết tham chiếu theo chỉ số VNDiamond, VNFinSelect.
Ngoài ra, ETF Fubon, FTSE, Vaneck cũng được dự báo sẽ không có nhiều chuyển động lớn nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trên thị trường do sự kỳ vọng đối với các ETF ngoại đến từ các quỹ ETF mới khi vấn đề nâng hạng diễn biến tích cực hơn.