Tập đoàn Sembcorp muốn mua lại 3 dự án điện gió của CTCP Tập đoàn Gelex (GEX (HM:GEX)) tại Quảng Trị. Các sở ban ngành tại địa phương đã có phản hồi về thương vụ đầu tư trên. Trên địa bàn huyện vùng biên Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang có 6 dự án điện gió xin bán cổ phần 50 - 100% cho đối tác nước ngoài. Trong đó, dự án Amaccao Quảng Trị 1 xin bán 50% cổ phần cho công ty Trung Quốc, 5 dự án gồm Gelex 1, 2, 3 của CTCP Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) và Hướng Phùng 2, 3 được một công ty Singapore đề nghị mua 100% cổ phần.
Do đó, huyện Hướng Hóa đề nghị nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, điều kiện tiếp tục sử dụng đất bằng hình thức thuê đất tại khu vực biên giới.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý các vấn đề về đất đai, cụ thể dự án Gelex 1, 2, 3 được thuê 48,5ha đất. Tháng 7/2023, tỉnh Quảng Trị thu hồi 25,6ha, còn lại 22,9ha đất do công ty này quản lý, sử dụng đến 2069. Các dự án đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo nghị định 43/2014/NĐ-CP, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị lấy ý kiến các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao nếu dự án thực hiện ở xã biên giới.
Hiện nay, các dự án trên do doanh nghiệp trong nước là chủ đầu tư nên có quyền và nghĩa vụ của tổ chức được quy định tại điều 174 của Luật đất đai năm 2013. Sau khi bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, các dự án trên phải thay đổi điều luật điều chỉnh sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo điều 183 của Luật Đất đai năm 2013.
Nếu việc góp vốn không thay đổi pháp nhân thì chủ đầu tư không phải thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Hình ảnh trụ điện gió tại dự án Nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 ở Quảng Trị - Ảnh: GELEX |
Được biết hồi đầu tháng 11, Tập đoàn Sembcorp Industries - Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng và phát triển đô thị của Singapore thông báo sẽ thông qua công ty con mua lại cổ phần hoặc vốn góp tại các dự án năng lượng đang vận hành thuộc CTCP Tập đoàn Gelex.
Sembcorp được thành lập năm 1998, là tập đoàn lớn của Singapore trong các lĩnh vực năng lượng, nước, hàng hải, môi trường và phát triển đô thị, do Temasek Holding (Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore) nắm giữ 49% vốn sở hữu.
Theo SSI (HM:SSI) Research ước tính, thương vụ này có thể mang về 1.200 tỷ lợi nhuận đột biến cho Gelex trong nửa đầu năm 2024. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế của công ty dự kiến tăng 11,5% svck đạt 2.000 tỷ đồng đến từ mảng thiết bị điện và vật liệu xây dựng.
>> Tin vui liên tục đến với Tập đoàn Gelex (GEX) dịp cuối năm