Vietstock - Doanh nghiệp "xắn tay" khai thác EVFTA
Dù cần thêm thời gian để Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được phê chuẩn, có hiệu lực nhưng nhiều doanh nghiệp Việt đã tính chuyện tận dụng ưu đãi từ thị trường này.
Ngày 2-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực dệt may, thủy sản... đã, đang làm ăn với thị trường EU cho biết bắt đầu rà soát các dòng thuế, tìm hiểu điều kiện, thủ tục để có thể tận dụng ưu đãi thuế quan ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Rà soát thuế, kết nối đối tác
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn, cho biết đang rà soát lại một số nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu và những mặt hàng đang xuất sang thị trường này để đánh giá tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN khi EVFTA có hiệu lực. Từ nhiều năm qua, Agrex Sài Gòn xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ thủy sản sang Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Canada, Nhật, Úc… Trong đó, thị trường EU dù rất tiềm năng, dư địa lớn nhưng tỉ trọng xuất khẩu còn thấp so với Mỹ, Nhật. "DN kỳ vọng EVFTA với việc giảm thuế về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm sẽ tạo ra cơ hội lớn hơn, giúp doanh thu xuất khẩu vào thị trường này tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào từ EU nhập về cũng sẽ rẻ hơn, càng thuận lợi cho DN" - ông Phạm Hải Long nhìn nhận.
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (chuyên sản phẩm tôm) xuất khẩu sang EU hơn 15 năm nay. Ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch HĐQT công ty, thừa nhận thị trường này đang chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu của Thuận Phước. "Các sản phẩm chế biến sâu của chúng tôi xuất khẩu sang EU đang phải chịu thuế 18% nên khi được giảm còn 0% sẽ tạo lợi thế rất lớn" - ông Lĩnh lạc quan nói.
Các doanh nghiệp thủy hải sản kỳ vọng EVFTA có hiệu lực sẽ giúp làm ăn với thị trường này thuận lợi hơn Ảnh: THANH NHÂN
|
Tại Công ty CP Thực phẩm Cholimex, thị trường EU chiếm khoảng 70% doanh thu xuất khẩu. Theo ông Diệp Nam Hải, Phó Tổng Giám đốc Cholimex, từ nhiều năm trước, DN đã chủ động tiếp cận, khai thác khá hiệu quả thị trường EU. Các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, gia vị, nước chấm... do Cholimex sản xuất được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng nên kim ngạch xuất sang thị trường này tăng đều hằng năm. Sáu tháng đầu năm 2019, doanh thu xuất khẩu sang EU đã tăng 30% so với cùng kỳ. "DN EU rất nhanh nhạy, từ đầu năm đến giờ, khá nhiều khách hàng chủ động tìm đến công ty để khảo sát năng lực, đặt vấn đề hợp tác. Ngược lại, bộ phận kinh doanh của chúng tôi cũng tích cực tìm và chào hàng đến các đối tác, khách hàng tiềm năng ở khu vực này. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều đơn hàng mới" - ông Diệp Nam Hải tự tin.
Một số DN khác cũng đang xúc tiến, kết nối đối tác, nhà đầu tư từ châu Âu để tìm kiếm, mở rộng cơ hội làm ăn trong lúc chờ EVFTA chính thức có hiệu lực. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (HM:HCM), hội đang lên kế hoạch xúc tiến việc kết nối giữa DN trong nước với đối tác, nhà đầu tư từ EU, đồng thời kết nối các DN trong hội với nhau để liên kết, tận dụng ưu đãi từ hiệp định này.
Cần đầu tư bài bản
Với EVFTA và các hiệp định thương mại khác, nhà nước đóng vai trò mở đường, tạo cơ hội cho DN nhưng tận dụng cơ hội đó thế nào còn tùy vào định hướng, năng lực của từng DN. Đến nay, việc mở đường đã gần về đến đích, vấn đề còn lại là DN chuẩn bị thế nào, chủ động ra sao để "đi" trên con đường đó. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ và là thị trường có quy mô lớn, đầy tiềm năng. Mặc dù vậy, thị trường này vốn không dễ tính, nếu không muốn nói là rất khó.
Theo quy định trong EVFTA, toàn bộ các dòng thuế sẽ giảm về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm nhưng để tận dụng được, DN phải đáp ứng yêu cầu liên quan đến tỉ lệ nội địa hóa, quy tắc xuất xứ của sản phẩm. Vì vậy, trong điều kiện thị trường EU giảm thuế nhưng hàng rào kỹ thuật không thay đổi, DN cần cải tiến lại quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ… nếu không sẽ khó hưởng được ưu đãi về thuế nhập khẩu vào đây.
"Con tôm nuôi theo quy trình "sạch" nhưng cho ăn thức ăn có kháng sinh chắc chắn không đủ tiêu chuẩn xuất vào EU. Ngay cả việc ngành thủy sản Việt Nam không được gỡ bỏ "thẻ vàng" cũng khó đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Quan trọng hơn, không phải cứ đến ngày hiệp định có hiệu lực là DN hiển nhiên được hưởng lợi mà cần cả quá trình chuẩn bị để khai thác có hiệu quả lợi thế từ hiệp định" - ông Phạm Hải Long nói.
Trên thực tế, không phải DN nào cũng thành công ở thị trường gần 30 quốc gia này. Đã có một số DN từng làm ăn, xuất khẩu sang EU phải "giữa chừng bỏ cuộc chơi" do không chịu nổi áp lực cạnh tranh. Tổng giám đốc một DN may xuất khẩu cho hay công ty ông từng xuất một số mặt hàng may mặc, khăn bông… sang EU nhưng không cạnh tranh nổi với DN Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha là các nước nội khối EU. "Không chỉ thuế, đối thủ cạnh tranh còn rất thuận lợi về thời gian giao hàng nhanh, đáp ứng nhu cầu những đơn hàng nhỏ trong khi hàng Việt cách EU nửa vòng trái đất nên không dễ cạnh tranh. Đến giờ, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, Nhật" - vị tổng giám đốc này nói.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của dệt may Việt Nam, sau Mỹ, với kim ngạch năm ngoái đạt khoảng 4 tỉ USD. Tiêu chuẩn của ngành dệt may xuất khẩu vào EU tương tự như Mỹ, Nhật… DN có thể đáp ứng được nhưng tăng trưởng không cao. "Kết nối giữa các DN Việt Nam và đối tác, nhà nhập khẩu từ EU chưa mạnh. Trong khi đó, một số thị trường khác đã có hiệp định thương mại với EU nên thuận lợi hơn trong xuất khẩu vào đây" - ông Phạm Xuân Hồng nhận xét và nói thêm rằng yếu tố thị trường rất quan trọng. Khi EVFTA có hiệu lực, DN kỳ vọng khách hàng, đối tác từ EU sẽ quan tâm, kết nối nhiều hơn từ đó gia tăng cơ hội xuất khẩu.
Cẩn trọng tiêu chí về an toàn thực phẩm Theo ông Trần Văn Lĩnh, thuế suất về 0% không có nghĩa DN sẽ xuất khẩu sang EU một cách ồ ạt mà tùy thuộc năng lực sản xuất. Việc cần thiết và đặc biệt quan trọng là DN phải kiểm soát chất lượng đúng theo yêu cầu thị trường này bởi EU xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm rất nghiêm, nếu phát hiện lô hàng vi phạm sẽ buộc tiêu hủy chứ không cho tái xuất. Do đó, DN phải hết sức cẩn trọng để tránh bị thiệt hại. Ngoài ra, tại EU, các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường tuy không phải là cơ quan quản lý nhà nước nhưng có quyền lực rất lớn; các siêu thị có thể rút hàng bởi áp lực của những tổ chức này. |
THÁI PHƯƠNG - NGỌC ÁNH - THANH NHÂN