Những điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Nghị định 155

Ngày đăng 15:14 13/01/2025
Những điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Nghị định 155

Vietstock - Những điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Nghị định 155

Nghị định 155/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019. Trong bối cảnh kinh tế và khung pháp lý đang thay đổi nhanh chóng, nhiều quy định tại Nghị định 155 đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, đòi hỏi cần phải được điều chỉnh kịp thời.

Những quy định mới đáng chú ý

Với mục tiêu để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được công nhận là thị trường mới nổi, dự thảo sửa đổi Nghị định 155 đã đề xuất những quy định mang tính đột phá.

Đầu tiên, phải kể đến các quy định về chào bán, phát hành chứng khoán, cụ thể là trái phiếu doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, khi phát hành trái phiếu ra công chúng, tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán chỉ buộc phải có xếp hạng tín nhiệm nếu tổng giá trị trái phiếu phát hành mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỉ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Ngoài quy định trên, không có bất kỳ hạn chế nào về việc doanh nghiệp phải đáp ứng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu để có thể phát hành trái phiếu ra công chúng. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không bảo đảm được khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, đồng thời tạo nên cái nhìn không mấy tích cực của nhà đầu tư dành cho thị trường trái phiếu.

Dự thảo sửa đổi đã điều chỉnh và bổ sung một số điều kiện của việc phát hành. Cụ thể là bắt buộc tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán đều phải được xếp hạng tín nhiệm trong mọi trường hợp. Đồng thời, dự thảo sửa đổi còn buộc doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu ra công chúng khi có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) trên vốn chủ sở hữu không quá ba lần, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Những quy định mới này rõ ràng đặt ra cho các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu những điều kiện chặt chẽ hơn, qua đó có thể hạn chế được lượng trái phiếu “dỏm” được bán ra thị trường.

Dự thảo sửa đổi còn buộc doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu ra công chúng khi có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) trên vốn chủ sở hữu không quá ba lần.

Một điều chỉnh khác là công ty đại chúng sẽ không còn quyền giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) thấp hơn tỷ lệ tối đa theo quy định pháp luật. Cụ thể, quy định tại điểm e, khoản 1, điều 139 Nghị định 155 cho phép công ty đại chúng quyết định một tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thấp hơn tỷ lệ theo quy định pháp luật miễn tỷ lệ này phải được đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại điều lệ công ty. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi đã điều chỉnh quy định này thành một trường hợp khác, cụ thể là cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng.

Việc công ty đại chúng thắt chặt room ngoại đã không còn hiếm tại Việt Nam, có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, như giảm room ngoại xuống dưới mức 50% để giữ cho công ty đại chúng không phải thực hiện các thủ tục đầu tư như được áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, hay bảo vệ cổ đông trong nước khỏi làn sóng bị thâu tóm từ nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, việc này cũng để lại hệ quả không hề nhỏ cho nhà đầu tư ngoại nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung. Cụ thể, việc thắt chặt room ngoại làm tăng khả năng công ty đại chúng bị kiểm soát bởi các nhóm lợi ích từ các cổ đông lớn trong nước, nơi mà quyền lợi của cổ đông nhỏ có thể bị ảnh hưởng bởi sự thiếu minh bạch cần thiết từ đội ngũ quản lý của mình. Với nhà đầu tư ngoại, họ bị hạn chế không chỉ quyền mua cổ phần tại công ty mà còn trong việc lựa chọn nhà đầu tư là bên mua trong trường hợp đang có dự định thoái vốn.

Không những thế, việc nhiều công ty đại chúng cùng giảm room ngoại sẽ làm giảm đi sự thu hút của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế, bởi lẽ việc đầu tư và nắm quyền kiểm soát thường song hành với nhau và là mục tiêu hàng đầu của nhà đầu tư ngoại. Với điều chỉnh loại bỏ quyền tự quyết về việc giảm room ngoại như trên, dự thảo sửa đổi hứa hẹn sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho nhà đầu tư ngoại để gia nhập thị trường Việt Nam, đồng thời giúp TTCK Việt Nam tiến gần hơn đến việc đáp ứng các điều kiện đánh giá nâng hạng thị trường.

Vẫn còn những hạn chế và bất cập

Khi nhìn vào thực tiễn thị trường, dự thảo lần này vẫn còn khá nhiều bất cập.

Trước tiên, việc giới hạn một người là thành viên hội đồng quản trị của một công ty đại chúng chỉ được đồng thời là thành viên hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên tại tối đa năm công ty khác có thể đem lại những tác động tích cực và tiêu cực. Tích cực là giám sát tính tập trung quá nhiều trách nhiệm và ngăn ngừa xung đột lợi ích trong quá trình quản trị. Tuy nhiên, quy định này có thể gây hạn chế khả năng thu hút nhân tài quản trị có kinh nghiệm và uy tín, nhất là đối với những người có khả năng đóng góp cho nhiều doanh nghiệp. Do đó, cần phân tích kỹ lưỡng hơn để đánh giá mức độ tác động và cán cân giữa mục đích kiểm soát rủi ro và không làm hạn chế khả năng phát triển doanh nghiệp.

Thứ hai, việc xóa bỏ quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn pháp luật quy định của công ty đại chúng có thể dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài chi phối quá mức, ảnh hưởng đến quyền lợi và tiếng nói của nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là trong các doanh nghiệp quan trọng hoặc lĩnh vực nhạy cảm. Để hạn chế rủi ro này, cơ quan quản lý có thể xem xét áp dụng các cơ chế sau: (i) Thiết lập các ngưỡng sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành nghề chiến lược; (ii) Tăng cường công tác giám sát và báo cáo tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo định kỳ, doanh nghiệp báo cáo biến động theo các kênh trực tuyến cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; (iii) Quy định rõ các ngưỡng kiểm soát quyền lợi trong trường hợp có nguy cơ bị chi phối nhằm đảm bảo sự cân bằng và minh bạch trên thị trường. Cụ thể, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài vượt qua tỷ lệ sở hữu giới hạn, các biện pháp kiểm soát có thể bao gồm yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu, áp dụng cơ chế hạn chế quyền biểu quyết hoặc thực hiện giám sát đặc biệt đối với các quyết định chiến lược của doanh nghiệp. Những biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi và tiếng nói của nhà đầu tư trong nước mà còn tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững, đồng thời vẫn duy trì tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, thay thế giấy tờ cá nhân bằng dữ liệu định danh quốc gia là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ có nguy cơ gây gián đoạn do hạ tầng dữ liệu quốc gia chưa hoàn thiện và tính đồng bộ giữa các cơ quan chính quyền còn hạn chế. Do vậy, cần đánh giá độ sẵn sàng và triển khai từng bước nhằm hạn chế nguy cơ gián đoạn trong quá trình chuyển đổi. Việc đảm bảo hành lang pháp lý và an toàn bảo mật thông tin là yêu cầu tiên quyết nhằm tăng tính hiệu quả của các hình thức xác minh điện tử.

LS. Nguyễn Văn Phúc (Công ty Luật TNHH HM&P)

 

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.