Vietstock - Ông lớn bất động sản tranh thủ “khoác áo mới”
Việc đổi tên thương hiệu không phải là chuyện mới lạ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như năm qua khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản quyết định “khoác lên chiếc áo mới” dù thương hiệu đã gắn bó vài thập kỷ.
Thị trường ảm đạm, kinh tế khó khăn nên việc nhiều doanh nghiệp có định hướng, mục tiêu chuyển hướng mới hay thậm chí là đổi tên thương hiệu, trong đó không thể thiếu các doanh nghiệp bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp BĐS “khoác áo mới” sau vài thập kỷ
Tập đoàn đa ngành có bề dày 28 năm hoạt động, TNG (HN:TNG) Holdings Vietnam công bố tên gọi mới thành CTCP Tập đoàn Rox (Rox Group), đi kèm bộ nhận diện thương hiệu mới vào ngày 27/1/2024.
Logo mới gồm tên thương hiệu ROX và bông hoa thuận ích tạo bởi 4 chữ V màu vàng cam. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tái định vị thương hiệu là do tên TNG không đăng ký được bảo hộ thương hiệu ở những lĩnh vực chính mà tập đoàn này đang đầu tư trong nước và quốc tế.
Xuất phát từ nhu cầu bảo hộ thương hiệu và những định hướng kinh doanh mới, TNG Holdings Vietnam tiến hành tái định vị thương hiệu, xác định đầu tư đa ngành thông qua hệ sinh thái phát triển đô thị và khu công nghiệp, dịch vụ, đầu tư tài chính.
Cùng với việc ra mắt Rox Group, tập đoàn cũng triển khai thương hiệu mới cho các đơn vị thành viên như TNG Realty đổi tên thành Rox Living (Rox Living); TNCons Vietnam thành Rox Cons Vietnam; TNG Asset thành Rox Asset; TNG Capital thành Rox Capital...
Thành viên duy nhất của Rox Group đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, CTCP TNS Holdings (HOSE: TN1) cũng đổi thành CTCP Rox Key Holdings vào ngày 12/3/2024.
* TN1 đặt kế hoạch lãi sau thuế 2024 tăng 30%
Ông lớn bất động sản khu công nghiệp, Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC (HN:IDC)) ra mắt bộ nhận diện thương hiệu sau hơn 20 năm vào ngày 9/11/2023.
IDC cho biết, việc thay đổi logo đặt yếu tố hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội và đất nước trong định hướng chiến lược ngành công nghiệp Việt Nam. Logo mới của IDC là sự kết hợp giữa tên thương hiệu màu xanh lá đậm và biểu tượng vòng tròn màu đỏ 8 cánh.
Phiên bản chính logo mới của IDICO (bên phải)
|
Thành lập từ năm 2000, IDC hoạt động chính trong đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Đến nay, IDC có 10 khu công nghiệp, gồm 3 KCN ở phía Bắc và 7 KCN phía Nam, tổng diện tích 3,267ha, diện tích đất cho thuê 2,341ha. Các khu công nghiệp của Công ty có tỷ lệ lấp đầy 75% và quỹ đất công nghiệp còn lại để cho thuê khoảng 580ha tại Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh và Thái Bình.
Năm 2023, IDC ghi nhận tổng doanh thu 7,474 tỷ đồng, giảm 4% so với 2022; lợi nhuận ròng gần 1,394 tỷ đồng, giảm 21%. Kế hoạch 2024 với tổng doanh thu 8,466 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2,502 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 22% so với thực hiện 2023.
Đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn ASG (HOSE: ASG) chính thức sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới. Logo ASG được phát triển trên hình khối tam giác cân với ba màu xanh da trời, đỏ và vàng.
Tập đoàn ASG chính thức sử dụng logo và hệ thống nhận diện thương hiệu mới từ ngày 1/1/2023
|
ASG cho biết, hàm ý logo mới nói về 3 trụ cột kinh doanh của Tập đoàn gồm dịch vụ logistics, dịch vụ hàng không sân bay, và đầu tư hạ tầng và phát triển khu công nghiệp.
Trong mảng khu công nghiệp, công ty con là Công ty TNHH Hạ tầng và Phát triển Khu công nghiệp ASG (ASGI) đang nghiên cứu đầu tư một số dự án tại các tỉnh như Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kết thúc năm 2023, ASG đạt doanh thu 1,920 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2022; lãi ròng hơn 4 tỷ đồng, giảm 96%.
Đánh dấu 16 năm xây dựng và phát triển, CTCP Eurowindow Holding (EWH) thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới kể từ tháng 3/2023.
Logo mới của Eurowindow Holding có sắc xanh lam đặc trưng cùng khẩu hiệu mới là “Bền vững vươn xa” thể hiện hành trình chuyển dịch của doanh nghiệp theo thời gian.
Logo mới của Eurowindow Holding (bên phải)
|
Thành lập năm 2007, Eurowindow Holding hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và nội thất, phát triển dự án bất động sản, xây dựng và quản lý xây dựng, quản lý và kinh doanh bất động sản, tài chính – ngân hàng.
Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 3,000 tỷ đồng, do ông Nguyễn Cảnh Sơn làm Chủ tịch HĐQT. Ông Sơn cũng là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank (HM:TCB).
Loạt công ty con của Tập đoàn Đất Xanh (HM:DXG) thay tên, đổi họ
Sau 12 năm phát triển hàng loạt dự án bất động sản khắp các tỉnh thành miền Trung, CTCP Đất Xanh Miền Trung đổi tên thành CTCP Regal Group từ năm 2023. Doanh nghiệp cho biết, việc đổi tên và bộ nhận diện thương hiệu nằm trong mục tiêu thay đổi cơ cấu.
Trong chiến lược tái cấu trúc, Regal Group tập trung phát triển 2 lĩnh vực chính: đầu tư bất động sản kèm hệ sinh thái bất động sản và mảng kinh doanh bất động sản (dịch vụ môi giới).
Ở mảng đầu tư, Regal Group phát triển các thương hiệu Regal Homes, Regal Food, Regal Mall, Regal Hotels & Resorts, Regal Office, Castia Homes và các thương hiệu nhượng quyền.
Thương hiệu mảng Đầu tư BĐS kèm Hệ sinh thái BĐS của Regal Group
|
Với mảng môi giới, Regal Group tiếp tục cung cấp dịch vụ tư vấn, thẩm định, tiếp thị, bán hàng, quản lý và khai thác tài sản thông qua hệ thống các công ty con: CTCP BĐS Nam Miền Trung, CTCP Phát triển BĐS Emerald, CTCP Đô thị Thông minh Việt Nam.
Thương hiệu mảng Kinh doanh BĐS của Regal Group
|
Regal Group thành lập năm 2011 tại TP. Đà Nẵng. Người đại diện pháp luật là ông Trần Ngọc Thành. Cuối năm 2023 CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) sở hữu 55% vốn Regal Group.
Ngoài Regal Group, một công ty con khác của DXG (sở hữu 59% vốn, thời điểm cuối năm 2023) là CTCP Dat Xanh Premium cũng đổi tên thành CTCP Bất Động Sản GPT kể từ ngày 7/3/2023.
Thông tin thay đổi mới của Bất Động Sản GPT
|
Từng là công ty con của DXG, CTCP Đất Xanh E&C cũng tranh thủ thay tên đổi họ thành CTCP DBFS kể từ tháng 3/2023 trước khi DXG thoái sạch vốn.
DBFS cho biết, việc thay đổi tên sẽ không ảnh hưởng đến các dịch vụ, hoạt động cũng như giao dịch trước đây của công ty.
Bộ nhận dạng thương hiệu mới của DBFS có hiệu lực từ tháng 03/2023
|
Ngày 20/12/2023, CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) công bố đổi tên thành CTCP Bất động sản Trường Sơn lẫn logo sau 15 năm.
Him Lam Land cho biết, việc đổi tên nằm trong kế hoạch tái định vị thương hiệu của Công ty, do đó sẽ không ảnh hưởng đến các mối quan hệ, giao dịch, nghĩa vụ dân sự cũng như việc thực hiện hợp đồng, thỏa thuận mà các bên đã ký kết trước đây. Toàn bộ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của Công ty sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc đổi tên thì công ty cũng bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh về sản xuất điện, truyền tải, phân phối điện, xây dựng nhà để ở, xây dựng nhà không để ở, xây dựng công trình công ích khác, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.
Trong khi đó, địa chỉ trụ sở chính lẫn người đại diện pháp luật vẫn được giữ nguyên là Tổng Giám đốc ông Nguyễn Ngọc Thủy, người đảm nhiệm chức vụ từ những ngày đầu thành lập Công ty.
Him Lam Land thành lập vào tháng 1/2008. Vốn điều lệ tính tới cuối năm 2017 là 1,700 tỷ đồng. Him Lam Land là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản của Him Lam như Him Lam Tân Hưng, Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú An,… tại TPHCM; Him Lam Vạn Phúc, Him Lam Vĩnh Tuy tại Hà Nội; cùng các dự án tại nhiều tỉnh, thành khác.
Logo mới của Bất động sản Trường Sơn (bên phải)
|
Suy cho cùng, việc chuyển đổi thương hiệu của doanh nghiệp không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, không đơn giản chỉ là việc thay đổi logo hay màu sắc, mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng lại nhận thức và cảm nhận của khách hàng về thương hiệu mới. Điều này không chỉ đơn thuần là việc quên tên gọi cũ, mà còn là việc tạo ra một ấn tượng sâu sắc cho thương hiệu mới.
Tuy vậy, sự đánh đổi là xứng đáng nếu doanh nghiệp đi đúng lộ trình mục tiêu định hướng mới, qua đó sẽ thúc đẩy thương hiệu và doanh nghiệp vững mạnh hơn.
Thanh Tú