Phó Tổng Giám đốc công ty bất động sản Sài Gòn Peninsula đã ‘tiếp tay’ cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chiếm đoạt số tiền hơn 297.417 tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị, tổ chức liên quan.
Trong số 86 bị can bị đề nghị truy tố có bà Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản".
Theo kết luận điều tra, bà Nguyễn Phương Anh làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2009 đến tháng 10/2022. Phương Anh được giao nhiệm vụ theo dõi dòng tiền và phụ trách các kế toán viên thực hiện các hoạt động kế toán, tài chính của các công ty "ma" thuộc nhóm Peninsula theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan.
Sài Gòn Peninsula là liên danh chủ đầu tư thực hiện dự án được dùng làm tài sản bảo đảm cho hàng trăm khoản vay tại SCB. |
Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định, bà Nguyễn Phương Anh đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 297.417 tỷ đồng (dư nợ gốc từ ngày 1/1/2018 đến ngày 07/10/2022 là hơn 406.046 tỷ đồng - Giá trị tài sản đảm bảo do Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022 được SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro hơn 108.629 tỷ đồng), gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 128.730 tỷ đồng.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát giao cho Nguyễn Phương Anh theo dõi toàn bộ việc thu, chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn tiền khác nhau; phối hợp với Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm… để “giải quỹ” các khoản vay đã được SCB giải ngân vào công ty thụ hưởng cuối cùng.
Theo cơ quan công tố, để “giải quỹ”, các bị can đã lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống. Trong đó, các công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân (được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của công ty “ma” khác).
Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần và chuyển tiền, các cá nhân sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền; Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan thuế, cơ quan thanh tra kiểm tra phát hiện sai phạm.
Mỗi khi cần sử dụng khoản tiền lớn, Nguyễn Phương Anh báo cáo, xin ý kiến Hồ Bửu Phương để tạo lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần. Trương Mỹ Lan sẽ triệu tập Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm để họp, thống nhất danh sách, số lượng cổ phần và đơn giá cổ phần tham gia hứa chuyển nhượng.
>> Lộ diện các tổ chức nòng cốt “lách luật” giúp Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tuồn hàng trăm nghìn tỷ khỏi SCB
Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trình ra danh sách các công ty, cá nhân sở hữu cổ phần để dự kiến tham gia hứa chuyển nhượng cổ phần. Tại cuộc họp, Hồ Bửu Phương đưa ý kiến về đơn giá áp cho cổ phần từng công ty trên cơ sở đánh giá thời gian thành lập, quy mô vốn, tài sản hiện có.
Đơn giá cổ phần các công ty mới thành lập, không có tài sản, ở mức 10.000-30.000 đồng/cổ phần. Trương Mỹ Lan sẽ tham khảo và quyết định. Trên cơ sở ý kiến của Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh tạo lập các hợp đồng hứa mua, hứa bán cổ phần giữa các công ty do mình phụ trách, đã đứng tên vay vốn của SCB, để rút tiền sau khi được giải ngân.
Hồ Bửu Phương yêu cầu Nguyễn Phương Anh làm việc với nhân viên Vạn Thịnh Phát để lấy phương án hứa chuyển nhượng cổ phần; cùng rà soát các công ty (để tránh tình trạng sở hữu chéo cổ phần giữa các công ty) và áp đơn giá cổ phần tương đối theo quy mô, thời gian thành lập và tài sản công ty.
Đáng chú ý, Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là liên danh chủ đầu tư thực hiện dự án Mũi Đèn Đỏ - dự án “đắp chiếu” 7 năm được dùng làm tài sản bảo đảm cho hàng trăm khoản vay của Vạn Thịnh Phát tại SCB.
>> Dự án liên quan đến Vạn Thịnh Phát được điều chỉnh vốn gấp 10 lần - nợ phải trả chủ đầu tư tăng ‘phi mã’