Khi định chế tài chính không còn muốn đứng ngoài cuộc chơi tài sản số

Ngày đăng 16:14 23/07/2025
Khi định chế tài chính không còn muốn đứng ngoài cuộc chơi tài sản số

Vietstock - Khi định chế tài chính không còn muốn đứng ngoài cuộc chơi tài sản số

Tài sản số lần đầu được luật hóa, đánh dấu bước ngoặt pháp lý quan trọng tại Việt Nam. Dù khung pháp lý còn đang hoàn thiện, nhu cầu đầu tư từ các định chế tài chính đã hiện hữu rõ nét, thậm chí nhiều tổ chức đang chủ động chuẩn bị nền tảng, sẵn sàng nhập cuộc khi “đèn xanh” được bật.

Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS) được thông qua ngày 14/06/2025 đánh dấu khái niệm tài sản số lần đầu được luật hóa trong luật. Cụ thể, tài sản số là tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.

Trước đó, vào ngày 12/06, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1131, phê duyệt 11 nhóm công nghệ được xác định là trụ cột cho tương lai phát triển khoa học công nghệ, trong đó có nhóm công nghệ Blockchain với 3 nhóm sản phẩm, gồm: tài sản số, tiền số, tiền mã hóa; hạ tầng mạng Blockchain; hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đây là lần đầu tiên các tài sản số, tiền số và tiền mã hóa được chính thức công nhận và trở thành một trong những công nghệ chiến lược quốc gia.

Dù mới được công nhận, nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy nhà đầu tư Việt Nam đã tham gia giao dịch, sở hữu tiền số, tiền mã hóa trên các sàn nước ngoài.

Báo cáo từ cổng thanh toán tiền điện tử Triple-A cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tiền kỹ thuật số, với gần 21 triệu người vào năm 2023, chiếm tỷ lệ 21.2% dân số, xếp sau UAE và đứng ngay trên Mỹ. 

Hay theo số liệu của Chainalysis, Việt Nam đứng thứ 5 về chỉ số chấp nhận tiền mã hóa toàn cầu năm 2024. Ngoài ra, trong giai đoạn tháng 7/2023 - 7/2024, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Trung, Nam Á và Châu Đại Dương về giá trị tiền mã hóa nhận được, quy mô trên 100 tỷ USD.

Nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy nhà đầu tư Việt Nam đã tham gia giao dịch, sở hữu tiền số, tiền mã hóa trên các sàn nước ngoài - Ảnh: Huy Khải

Dù đã được “định danh” trong bối cảnh nhu cầu và tiềm năng rất lớn, nhưng vẫn còn một chặng đường cho việc xây dựng chính sách thuế, cơ chế cấp phép, quy định lưu ký và thiết lập hệ thống giám sát giao dịch minh bạch, tạo tiền đề cho sự hình thành các sàn giao dịch tài sản mã hóa hợp pháp tại Việt Nam.

Câu chuyện pháp lý thậm chí được nhắc đến nhiều và nắm vai trò then chốt đối với các định chế tài chính. Tại ĐHĐCĐ của nhiều công ty chứng khoán, đại hội nhà đầu tư của các quỹ hay tại các buổi tọa đàm, hội thảo về kinh tế với quy mô từ lớn đến nhỏ, không khó bắt gặp các câu hỏi dành cho những người điều hành liên quan đến chủ đề đầu tư tiền số, tiền mã hóa.

Tại đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2025 của CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital, Giám đốc Chiến lược Vương Vân Anh cũng nêu ý kiến sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để đầu tư vào thị trường tiền mã hóa.

Theo nữ Giám đốc Chiến lược VinaCapital, Công ty đang theo sát khung pháp lý cũng như kỹ thuật ở Việt Nam để có thể phát triển những sản phẩm này, nhưng sẽ thận trọng nghiên cứu cả về lợi ích cũng như rủi ro để lựa chọn thời điểm phát triển phù hợp những sản phẩm liên quan.

Ngay cả những trung tâm tài chính quốc tế lớn như Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đang đầu tư vào tài sản tiền mã hóa ở giai đoạn thử nghiệm (cơ chế sandbox). Tại Việt Nam, khung pháp lý cũng như kỹ thuật còn thiếu khá nhiều, chẳng hạn như chưa xác định được các ngân hàng lưu ký tài sản số, những quy định nới lỏng hơn trong tự do hóa về quản lý ngoại tệ.

Hay tại Đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2025 các quỹ mở của Công ty TNHH Quản Lý Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Vietcombank (HM:VCB) (VCBF), trước câu hỏi về kế hoạch làm ra quỹ tiền kỹ thuật số, trong bối cảnh tập đoàn quản lý đầu tư Franklin Templeton - cổ đông góp vốn vào VCBF - có đầu tư vào tiền số, tiền ảo, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng, sẽ triển khai khi phù hợp.

“Chúng tôi không biết được giá trị của nó ở đâu, bởi giá phụ thuộc rất nhiều vào cung - cầu” - bà Nga chia sẻ. Tuy nhiên, đây cũng là một tài sản để đa dạng hóa danh mục đầu tư, VCBF có thể cân nhắc tham gia vào thời điểm thích hợp và phù hợp với triết lý đầu tư, sau khi cơ sở pháp lý rõ ràng hơn; token hóa tài sản.

Dù chưa có kế hoạch chi tiết, không thể phủ nhận nhu cầu đầu tư tiền số, tiền mã hóa đã hiện diện trong tâm trí các nhà điều hành định chế tài chính, thậm chí đã vạch ra lộ trình để đi tắt đón đầu pháp lý. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Chứng khoán Hòa Bình (HBS), các cổ đông đã thông qua chủ trương nộp hồ sơ góp vốn vào CTCP Kinh doanh Tiền mã hóa và Tài sản mã hóa VimExchange trên nền tảng công nghệ Blockchain 4.0, Peer 2 Peer, Big Data 4.0, công nghệ thông tin cấp độ 4, nếu được Nhà nước chấp thuận cho phép thử nghiệm kinh doanh tiền mã hóa. Công ty cũng cho biết, sẽ trình ĐHĐCĐ kế hoạch triển khai chi tiết trước khi thực hiện, sau khi Nhà nước chấp thuận chủ trương.

Hay ở một kế hoạch lớn hơn, chia sẻ tại Hội nghị đầu tư quốc tế Techcombank (HM:TCB) 2025 với chủ đề Cơ hội đầu tư trong kỷ nguyên mới, Chủ tịch Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) Nguyễn Xuân Minh khẳng định: "Công ty muốn tiên phong trong lĩnh vực tiền mã hóa, mã hóa tài sản mã hóa".

TCBS thực tế cũng đã tích hợp bảng giá tài sản mã hóa trên nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến. Dù mới chỉ dừng lại ở việc hiển thị hơn 100 đồng tiền mã hóa phổ biến, có thể kể đến như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), XRP, BNB, DOGE... nhưng đã đánh dấu một bước đi quan trọng của công ty chứng khoán công nghệ này.

Vào đầu năm nay, Quản lý Quỹ SSI (HM:SSI) (SSIAM) - thành viên thuộc Chứng khoán SSI - đã thành lập nền tảng đầu tư SSI Digital Ventures, cam kết đầu tư lên đến 200 triệu USD và lập kế hoạch đồng đầu tư tổng giá trị 500 triệu USD trong lĩnh vực công nghệ số và Blockchain tại khu vực Đông Nam Á.

CTCP Công nghệ số SSI (SSID) do Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI Nguyễn Duy Hưng sáng lập đã triển khai dự án Tổ hợp Công nghệ số và Blockchain trên diện tích 1.7ha tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Dự án được định hướng trở thành trung tâm R&D tiên phong của Việt Nam, đồng thời đang chuẩn bị nền tảng để trở thành một trong các sandbox đầu tiên nhằm thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghệ số cùng Blockchain.

Có thể thấy, nhiều tổ chức mới dừng ở mức lên ý tưởng cho tương lai, nhưng thị trường cũng đã ghi nhận các định chế tài chính có những hành động cụ thể đầu tiên để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới - thời đại mà tiền số, tiền mã hóa trở thành một trong những công cụ đầu tư hợp pháp ngay tại Việt Nam để “cởi trói” cho nhu cầu vốn dĩ đã rất khổng lồ.

Huy Khải

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.