Chỉ duy nhất 1 công ty con thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC - tiền thân là Vinashin), thoát diện phá sản theo kế hoạch của Chính phủ.
SBIC được thành lập năm 2013 trên cơ sở sắp xếp, tái cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin. Thời điểm đó, SBIC phải gánh khoản nợ hơn 4 tỷ USD do Vinashin để lại |
Theo kế hoạch này, công ty mẹ SBIC và 7 công ty con (các Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn) được yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Thời gian thực hiện dự kiến từ quý I/2024.
CTCP Đóng tàu Sông Cấm - là công ty con duy nhất không thuộc diện phá sản do không có nợ xấu và hoạt động hiệu quả. Các đơn vị còn lại của SBIC phải thực hiện phá sản do âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu. Đáng nói, nhóm này đều có quỹ đất lớn, tài sản giá trị và có hợp đồng sửa, đóng tàu.
>> Công ty duy nhất thuộc Vinashin không bị xử lý phá sản, bí quyết 'ăn nên làm ra' khiến nhiều người bất ngờ
Mới nhất, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành các bước để thực hiện quy trình phá sản này.
Dẫn tin Tiền Phong, Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc phá sản SBIC là điều không thể tránh khỏi. Điều này để giúp các công ty con hoạt động hiệu quả, xoá bỏ trách nhiệm với các khoản nợ cũ. Thực tế, một số công ty đóng tàu thuộc SBIC hoạt động rất tốt, hằng năm vẫn có lãi nhưng số tiền kiếm được không đủ để trả lãi vay, trả nợ các khoản vay cũ từ thời kỳ Vinashin để lại.
Sau phá sản, nguồn tiền thu được từ thanh lý công ty, tài sản sẽ dùng theo quy định pháp luật về phá sản như dùng trả nợ, trả lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn còn tồn từ thời Vinashin.
SBIC thành lập năm 2013, trên cơ sở sắp xếp, tái cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin. Vốn điều lệ thời điểm đó của SBIC trên 9.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, SBIC phải gánh khoản nợ (cả trong và ngoài nước) do Vinashin để lại trên 4 tỷ USD.
>> Hậu Vinashin, xót xa cảnh nhà máy cán thép nghìn tỷ giờ chỉ còn 'xác'