Vietstock - HSBC: Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn
Trong báo cáo mới nhất, HSBC đánh giá thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn. Căng thẳng thương mại có thể thúc đẩy vốn FDI chảy vào Việt Nam nhiều hơn và tạo thêm việc làm khi các công ty chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Một loạt yếu tố tích cực như tăng trưởng kinh tế mạnh, tiền tệ ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát và dòng chảy FDI mạnh sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Xét tới năm 2018, đây là năm thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán tháo mạnh, khi nhà đầu tư lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tác động dây chuyền từ hoạt động bán tháo ở các thị trường mới nổi lên chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng này có vẻ dần dần biến mất và tâm lý nhà đầu tư nội địa có thể chuyển sang tích cực, qua đó thúc đẩy thị trường. Xét tới những yếu tố này, HSBC vẫn giữ lập trường tích cực đối với thị trường Việt Nam, mặc dù hệ số P/E vẫn cao hơn so với mức trung bình dài hạn. Ngoài ra, HSBC còn tin rằng tăng trưởng lợi nhuận có thể hỗ trợ phần nào cho mức định giá.
Xét trên lợi nhuận dự phóng 12 tháng, hệ số P/E của Việt Nam đạt đỉnh vào tháng 4/2018 tại mức 21.3x lần, cao hơn 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình, nhưng sau đó lại giảm giữa lúc thị trường bị bán tháo. Hiện nay, hệ số P/E của Việt Nam ở mức 15.8 lần, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức trung bình 5 năm ở mức 15.3x lần. HSBC dự báo tăng trưởng EPS có thể đạt mức hợp lý 9.8% trong năm 2019 và sau đó lên tới mức 33.1% trong năm 2020.
Lĩnh vực ngân hàng có khả năng tạo lợi nhuận cao và chất lượng tài sản thì ngày càng được cải thiện. Tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm 2018, thấp hơn mức mục tiêu 17% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Sự suy giảm của tăng trưởng tín dụng đi kèm với sự cải thiện về chất lượng tài sản, trong đó tỷ lệ nợ xấu (NPL) giảm xuống 1.89% trong năm 2018, từ mức 1.99% trong năm 2017. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng lên mức 3.3% và hiện đang gần mức đỉnh 5 năm. Sự suy giảm về tỷ lệ nợ xấu, đà tăng của tỷ lệ NIM cùng với mức tăng trưởng tín dụng hợp lý đã đẩy hệ số ROE của các ngân hàng lên mức đỉnh 7 năm tại 17.6%. Về phần bất động sản, các công ty trong lĩnh vực này tiếp tục chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ, mặc dù một số dự án bị trì hoãn vì những vấn đề liên quan tới đất đai.
Lĩnh vực tiêu dùng vẫn vững chắc và hai mẫu hình quan trọng dần hiện rõ: Đầu tiên, hoạt động tiêu thụ FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh) ở vùng nông thôn đang tăng trưởng ở Việt Nam, còn lượng tiêu thụ FMCG ở thành thị lại gần như đi ngang; thứ hai, lượng tiêu thụ đối với mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu đang có kết quả tốt hơn so với hàng tiêu dùng.
Bức tranh tiêu dùng vẫn đang vững chắc, trong đó tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 12/2018 đạt 18.6% so với cùng kỳ năm trước, mạnh nhất kể từ tháng 3/2018. Theo HSBC, hiện có hai mẫu hình quan trọng đang xuất hiện ở Việt Nam. Đầu tiên, hoạt động tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở vùng nông thôn đang tăng trưởng ở Việt Nam, còn lượng tiêu thụ FMCG ở thành thị lại gần như đi ngang; thứ hai, lượng tiêu thụ đối với mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu đang có kết quả tốt hơn so với hàng tiêu dùng.
Dù vậy, việc Việt Nam phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng có thể khiến họ trở nên dễ bị tổn thương nếu hoạt động thương mại toàn cầu giảm tốc vì căng thẳng thương mại. Hoạt động xuất khẩu là động cơ chính của nền kinh tế Việt Nam trong vài năm gần đây, nhưng gần đây đã cho thấy dấu hiệu giảm tốc. Nhà đầu tư cũng nên thận trọng nếu hoạt động thương mại toàn cầu giảm tốc mạnh. Thế nhưng, trong cái rủi cũng có cái may, căng thẳng thương mại có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam nhiều hơn.
Một vấn đề khác đối với thị trường là room ngoại – vốn có thể kìm hãm khả năng sở hữu một số cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, HSBC tin rằng có một vài cơ hội dành cho nhà đầu tư nước ngoài nếu như họ chuẩn bị xâm nhập sâu hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam và xem xét tới các cổ phiếu khác ngoài các cái tên lớn và phổ biến – những cổ phiếu không thể đầu tư thêm nữa.
Diễn biến của chỉ số VN-Index trong năm 2018
|
Vũ Hạo (Theo HSBC)