Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường Việt Nam trong phiên giao dịch có những thông tin gì? Giá xăng Việt Nam tăng lên mức kỷ lục 7 năm, giá urê, ammonia thế giới lại tăng cao kỷ lục và thị trường khởi sắc, các CTCK thu về lợi nhuận tích cực… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong chuyển động phiên giao dịch hôm nay thứ Năm 28/10.
1. Giá xăng Việt Nam tăng lên mức kỷ lục 7 năm
Ngày 25/10, giá xăng Việt Nam ghi nhận là 1,081 USD/lít. Mức này thấp hơn 12% so với mức trung bình thế giới (hiện là 1,23 USD/lít), xếp thứ 64, theo thống kê cập nhật giá xăng dầu bán lẻ của gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ Global Petro Prices.
Trong nhóm các nước ASEAN, giá xăng Việt Nam đang cao hơn 2 quốc gia láng giềng là Malaysia (0,494 USD/lít), Indonesia (0,795 USD/lít) và thấp hơn Thái Lan (1,211 USD/lít), Lào (1,337 USD/lít). Nhiều năm qua, Việt Nam thường nằm trong top 40 danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ có giá nhiên liệu rẻ nhất thế giới. Hồi tháng 4/2020, Global Petro Prices từng cung cấp dữ liệu cho thấy giá xăng của Việt Nam thấp thứ 20 trên thế giới. Như vậy sau một năm rưỡi, giá mặt hàng này đã tăng cao, đẩy xếp hạng của Việt Nam xuống 40 bậc.
Venezuela vẫn là quốc gia có giá xăng rẻ nhất thế giới, chỉ 0,001 USD/lít; Iran xếp thứ 2 với 0,06 USD/lít. Trong khi đó, người dân Hong Kong (Trung Quốc) đang phải chi 2,648 USD để mua 1 lít xăng, mức cao nhất thế giới. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng những nước có giá xăng đắt đỏ nhất, người Hà Lan phải chi ít hơn 14% so với Hong Kong.
Theo đánh giá của Global Petro Prices, các quốc gia cùng tiếp cận giá xăng chung của thế giới nhưng tại từng thị trường, giá bán lẻ khác nhau do chính sách thuế và trợ giá khác biệt.
2. Giá urê, ammonia thế giới lại tăng cao kỷ lục
Giá ammonia tăng do nguồn cung sụt giảm tại châu Âu trong khi nhu cầu khu vực Bắc Mỹ vẫn còn cao. Đơn cử, Công ty Yara đã tăng giá bán ammonia tại Floria - Mỹ lên 825 USD/tấn CFR cho lượng hàng giao tháng 11/2021, so với giá cũ thì mức tăng này lên tới 160 USD/tấn - một kỷ lục tăng giá trong thời gian ngắn. Hay Công ty CF của Mỹ đã chào giá ammonia giao tại khu vực bắc Dakota và Iowa lên đến 1.200$/tấn.
Đối với urê, sau 1 tuần giao dịch chậm thì tuần này giá urê lại tăng lên kỷ lục mới. Tại Ethiopia, Tổng công ty nông nghiệp EABC đã phải trì hoãn gói thầu mua 800 ngàn tấn urê và 1,2 triệu tấn NPS cho mùa vụ 2022 vì lý do giá đã tăng quá nhanh và mạnh. Còn tại Nepal, nhà cung cấp Swiss Singapore đã trúng gói thầu 25.000 tấn urê của Công ty KSCL với mức giá lên đến 949$/tấn CIP. Như vậy, giá thành urê nhập khẩu tại Nepal tương đương 22.000 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia nhập khẩu 100% phân urê như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn sốt giá phân bón toàn cầu. Trong cơn sốt toàn cầu, nhìn lại thị trường và giá phân bón tại Việt Nam, mặt bằng giá trong nước đang có phần thấp hơn so với giá thế giới, cụ thể, giá bán lẻ urê tại khu vực Nam Bộ khoảng 16.000 – 17.000 đ/kg.
Tại Việt Nam, do hoàn toàn chủ động được nguồn cung urê từ 4 nhà máy sản xuất nội địa, thậm chí có phần dư để xuất khẩu, nên đã phần nào giảm thiểu được tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng phân bón đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng đang tích cực triển khai hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
3. Thị trường khởi sắc, các CTCK thu về lợi nhuận tích cực
Sau nhịp điều chỉnh trong quý III trước sự bùng phát của làn sóng COVID-19 lần thứ tư, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) lấy lại đà tăng và tiến sát đến vùng đỉnh lịch sử 1.423 điểm khi những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt dần được nới lỏng. Tính đến ngày 30/9/2021, VN-Index đóng cửa ở mức 1.342,06 điểm, tăng 0,8% so với cuối tháng trước và tăng 21,6% so với cuối năm 2020. Tương tự, HNX-Index đóng cửa ở mức 357,33 điểm, tăng 4,2% so với cuối tháng trước và tăng 75,9% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.861 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% so với cuối năm 2020, tương đương 109% GDP. Mặc dù vận động của thị trường có phần chậm lại so với nửa đầu năm, tính đến hết quý III, nhiều công ty chứng khoán vẫn công bố kết quả kinh doanh tích cực, vượt xa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra trước đó:
- CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (TCBS) khi báo lãi gần 802 tỷ đồng trong quý III, gần tương đương với kết quả đạt được trong quý trước đó và tăng trưởng 16% so với cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu đến từ doanh thu tăng trưởng hơn 39%, trong đó doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng 247%, đạt 244 tỷ đồng. Trong quý III, TCBS cũng đã leo lên vị trí thứ 7 về thị phần môi giới tại HOSE với 4,81%, tăng một bậc so với nửa đầu năm. Tại HNX và UPCoM, công ty chứng khoán này lần lượt giành vị trí thứ 6 và thứ 4 về thị phần. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TCBS lãi ròng hơn 2.277 tỷ đồng lãi ròng, tăng 33% so với kết quả thực hiện trong cùng kỳ 2020.
- CTCP Chứng khoán SSI (HM:SSI) cũng là một trong những đơn vị báo lãi tích tực trong quý III với lãi ròng hơn 667 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, nguồn thu lớn nhất trong quý đến từ mảng môi giới chứng khoán với 667 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ 2020. Trong quý III, thị phần môi giới cổ phiếu của SSI tại HOSE tăng 0,6% so với quý II, đạt 11,58%. Dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế sau 9 tháng đầu năm 2021 của công ty chứng khoán này đạt khoảng 2.100 tỷ đồng. Với kết quả trên, SSI đã hoàn thành vượt 12% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. Ngoài việc nằm trong top đầu về lợi nhuận, SSI cũng giữ "ngôi vương" ở mảng cho vay ký quỹ với dư nợ cuối quý III đạt mức kỷ lục 18.107 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm.
- CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HM:VND) đã lần đầu góp mặt vào câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD trên TTCK Việt Nam sau khi giá cổ phiếu đạt đỉnh trong tháng 9. Cùng với đó, VNDirect đã nâng kế hoạch kinh doanh năm 2021 lên 82% so với mục tiêu ban đầu. VNDirect báo lãi trước thuế kỷ lục 686 tỷ đồng, tăng trưởng 122%. Lũy kế kể từ đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của công ty đạt trên 3.838 tỷ đồng, tăng trưởng 149% và lãi ròng đạt 1.453 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, công ty chứng khoán này thực hiện 97% chỉ tiêu doanh thu và 90% kế hoạch mới được điều chỉnh.
- CTCP Chứng khoán Bản Việt (HM:VCI) với lãi ròng 1.031 tỷ đồng sau 9 tháng, vượt 1% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tính riêng trong quý III, công ty chứng khoán này lãi hơn 329 tỷ đồng, chủ yếu nhờ VCSC đã hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư nên doanh thu bán tài sản tài chính tăng 274 tỷ đồng, tương ứng tăng 502% so với quý III/2020.
- CTCP Chứng khoán FPT (HM:FTS) là cái tên với mức tăng trưởng mạnh trong quý III. Doanh nghiệp này báo lãi sau thuế quý III đạt 296 tỷ đồng, gấp 6,2 lần cùng kỳ và là quý có lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động tới nay. Lũy kế từ đầu năm, FPTS lãi sau thuế đạt 671 tỷ đồng, gấp 9,6 lần cùng kỳ và vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm. Nhờ đó, FPTS soán ngôi TCBS trở thành công ty chứng khoán có mức ROE cao nhất với 10,5%.
Chiều ngược lại, một số đơn vị ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực hơn như:
- CTCP Chứng khoán VPS chỉ xếp thứ 8 về lợi nhuận trong ngành. Mặc dù doanh thu quý III tăng hơn 190% so với cùng kỳ năm trước nhờ các mảng kinh doanh đều tăng trưởng mạnh, chi phí hoạt động và chi phí tài chính đồng thời tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế quý III chỉ còn 240 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế từ đầu năm, VPS ghi nhận 6.648 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 604 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng tăng lần lượt 149% và 66% so với cùng kỳ.
- CTCP Chứng khoán Bảo Minh (HN:BMS) là đơn vị đầu tiên báo lỗ ròng 38,2 tỷ đồng trong quý III và là mức lỗ lớn nhất kể từ quý I/2020. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm ở hoạt động tự doanh, vốn là mảng đóng góp lớn nhất cho doanh thu của BMSC. Theo đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 46,4% xuống chỉ còn 29,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 đạt 54,7 tỷ đồng. Tuy vậy nhờ kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, doanh thu lũy kế sau 9 tháng vẫn tăng trưởng 65,5%, đạt giá trị tương ứng 377 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 102,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 62 tỷ đồng cùng kỳ.
- Chứng khoán Agribank (HM:AGR) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III giảm đến 40% so với cùng kỳ chỉ còn 30 tỷ đồng do doanh thu hoạt động tự doanh suy giảm. Dù vậy sau 9 tháng, công ty chứng khoán này vẫn đạt kết quả tích cực với con số lợi nhuận 342 tỷ đồng, tăng trưởng 239% so với cùng kỳ.