Vietstock - Giá gạo lên đỉnh, cổ phiếu TAR và LTG (HN:LTG) về đáy
“Giá gạo lên rồi, mua cổ phiếu LTG (CTCP Lộc Trời), TAR (CTCP Công nghệ Cao Trung An) thôi”, đó từng là lời hô hào khá phổ biến của nhiều nhà đầu tư trên diễn đàn chứng khoán ở Việt Nam.
Những ai tin theo chắc hẳn phải vỡ mộng với hai cổ phiếu hiếm hoi có ngành nghề kinh doanh gạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá cổ phiếu LTG, TAR lần lượt chia 3 chia 4 kể từ mức đỉnh vào năm 2022, đi cùng với kết quả kinh doanh suy giảm nghiêm trọng.
Trung An báo lỗ hơn 8.5 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng với điểm đáng chú ý là doanh thu tăng nhưng biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, ngoài ra khoản phải thu ngắn hạn tăng lên gấp hơn 3 lần so với đầu năm lên gần 1,400 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Lộc Trời lãi ròng chưa đầy 17 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 412 tỷ đồng năm 2022. Mặc dù doanh thu tăng mạnh tới 38%, với đóng góp lớn từ tăng trưởng mảng lương thực lúa, gạo hơn11.2 ngàn tỷ đồng (tăng 75% cùng kỳ), nhưng biên lợi nhuận gộp của mảng này chỉ khoảng 2.2%. Lợi nhuận gộp mang về 246 tỷ đồng, chưa kể chi phí xuất khẩu đã lên đến 223 tỷ, thì hoạt động xuất khẩu gạo của LTG khó có lãi... Yếu tố chủ chốt kéo lại hiệu quả kinh doanh của LTG là mảng thuốc bảo vệ thực vật. Tương tự TAR, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của LTG cũng gấp 3 lần, lên hơn 6.5 ngàn tỷ đồng tính tới cuối 2023. Và tới nay khi đã kết thúc quý 3, Công ty vẫn chưa công bố BCTC quý 2/2024, sau quý 1 báo lỗ 96 tỷ.
Kết quả kinh doanh suy yếu, TAR và LTG còn đối mặt với tình trạng biến động ở thượng tầng lãnh đạo.
Với TAR, hồi cuối tháng 9/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt 92.5 triệu đồng với ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT. Lý do, khi ở cương vị Tổng Giám đốc, ông Bình đã có hành vi thực hiện hợp đồng, giao dịch khi chưa được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT chấp thuận, rồi hàng loạt vi phạm về công bố thông tin. Hiện tại, TAR đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Mới đây, kiểm toán cũng từ chối đưa ra ý kiến về BCTC bán niên của công ty.
Còn về LTG, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch LTG vừa đưa ra những lời bình phẩm nói về tình hình công ty mình, giữa bối cảnh Lộc Trời vừa có công văn cáo buộc cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận gây thất thoát tài sản và có hành vi gian dối. “Trong một trận đánh mà mình bị nội gián… vào sâu bên trong. Mình đã trao quyền dẫn dắt… nó dẫn mình vô cái bẫy phục kích của địch” – ông Thòn nói.
Trước đó, LTG cũng đối mặt với làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư ngoại. Dữ liệu VietstockFinance cho thấy, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Lộc Trời giảm từ mức 44% xuống còn 36.6% trong giai đoạn từ tháng 5 đến hết tháng 9, tương ứng lượng bán ròng gần 7.46 triệu cổ phiếu.
Cả Trung An lẫn Lộc Trời từng có những định hướng rất đúng đắn là phát triển mảng kinh doanh gạo chất lượng cao, tuy nhiên, thực tế là khá phũ phàng.
Biến động cổ phiếu LTG từ năm 2021 | ||
Biến động cổ phiếu TAR từ 2021
Thực chất, kinh doanh gạo là một ngành kinh doanh có điều kiện và không dễ để có lãi, một thương nhân gạo Việt Nam cho biết. Hiện nay, xét về thị trường xuất khẩu gạo ở Việt Nam, những giống có giá cao như Jasmine, ST thì nhu cầu không nhiều như gạo thông thường như 5451. Các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc họ không ăn nhiều gạo, nên dù giá gạo xuất khẩu sang thị trường này thường cao nhưng số lượng không nhiều. Còn các doanh nghiệp gạo Việt Nam vẫn chuộng xuất gạo chất lượng vừa phải, giá thấp hơn, đi các nước có nhu cầu lớn.
Nếu nhìn vào bảng phương án kinh doanh của một đơn hàng xuất khẩu, chúng ta sẽ choáng ngợp với một danh sách dài các yếu tố, ví dụ, giá mua đầu vào, chi phí vận chuyển, đóng hàng, chi phí xuất khẩu, lãi vay, tỉ giá....
Gạo lên thì có lợi cho nông dân, rõ nhất là cuộc sống hiện tại của người dân một ngôi làng nọ ở miền Tây Việt Nam, vốn ngày xưa là điểm đến của các chuyến đi từ thiện, giờ khá hơn trước nhiều, nhờ trồng lúa và giá lúa lên...
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam thường đi mua lúa từ nông dân chứ không sở hữu vùng trồng đủ lớn (để đáp ứng các đơn hàng lớn)... nước lên thì thuyền lên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo có khi còn buồn chứ không vui khi giá gạo lên, vì giá gạo tăng, thì người nông dân cũng biết và họ sẽ tăng giá bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi đối tác nước ngoài thường đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu gạo từ trước đó.
Cũng giống như than phiền của Chủ tịch Vinatex (HN:VGT) Lê Tiến Trường hồi đầu năm 2024 về việc tỷ giá USD/VND tăng quá ít (tức VND (HM:VND) mất giá ít) khiến doanh nghiệp của ông khó cạnh tranh với các đối thủ. Tỷ giá tăng ít cũng khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam gặp bất lợi với các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ hay Bangladesh... Trong quá khứ, mỗi lần USD/VND được điều chỉnh tăng, 3-5% đều giúp các phương án xuất khẩu gạo chuyển từ lỗ sang có lãi, và đơn hàng ngay lập tức được triển khai, thay vì còn trong vòng xem xét.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam còn gặp rủi ro về đối tác, đặc biệt là với hình thức có ký quỹ. Nhiều khi khách hàng bỏ luôn ký quỹ, từ chối đơn hàng khiến doanh nghiệp, sau khi chuyển hàng tới cảng đến, chịu rủi ro đối với giá trị đơn hàng còn lại, chưa kể chi phí xử lý để điều hàng về, vốn vô cùng phức tạp và đắt đỏ.
Gạo là một ngành kinh doanh... siêu lợi nhuận ở Philippines vì đất nước này phải chịu bão liên tục khi họ luôn có nhu cầu cao về gạo, thường là gạo chất lượng trung bình, nhưng cũng vì thế mà các doanh nghiệp ở đó phải nộp trước mức thuế 30-40% giá trị mà họ muốn nhập khẩu để xin được giấy phép nhập khẩu... Nói để thấy, kinh doanh gạo mà có lãi ở Việt Nam là điều vô cùng khó khăn chứ không dễ như “nước lên thì thuyền cũng lên” như các nhà đầu tư hay lầm tưởng.
Quỳnh Như