Vietstock - Dòng vốn ETF tháng 9 bị rút ròng mạnh nhất trong 2 năm
SSI (HM:SSI) Research chỉ ra dòng vốn ETF bị rút ròng gần 2,300 tỷ đồng trong tháng 9/2021 - mức giảm mạnh nhất trong 2 năm qua. Đáng chú ý, tất cả 5 quỹ ETF lớn nhất thị trường đều rơi vào trạng thái bị rút ròng.
Dòng vốn ETF tháng 9 bị rút ròng mạnh nhất trong 2 năm
Lực rút mạnh diễn ra ở cả nhóm quỹ ngoại (FTSE ETF - 1,275 tỷ đồng, Fubon ETF -153 tỷ đồng, VanEck ETF - 22 tỷ đồng) và nhóm quỹ nội (VNDiamond ETF - 990 tỷ đồng, VFMVN30 ETF - 19 tỷ đồng).
Một số quỹ nhỏ hơn như VNFIN Lead, MiraeAsset VN30 và Asian CUBS ghi nhận dòng vốn tích cực nhưng giá trị không đáng kể, tổng cộng mua ròng khoảng 200 tỷ đồng. Tính chung cho quý 3, dòng vốn ETF vẫn duy trì mua ròng khoảng 300 tỷ đồng, nhưng thấp hơn nhiều so với 2 quý trước đó
Tương tự diễn biễn từ các quỹ ETF, các quỹ chủ động tiếp tục rút ròng trong tháng 9 (-700 tỷ đồng). Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, các quỹ chủ động đã rút ra khoảng 6.3 ngàn tỷ đồng - lớn thứ 3 trong khu vực chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.
Trong tháng 9, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị là 8,368 tỷ đồng - là tháng bán ròng cao thứ 3 trong năm 2021. Tổng lượng bán ròng trong 9 tháng đầu năm lên tới hơn 40 ngàn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức bán ròng gần 6 ngàn tỷ cùng kỳ năm trước.
Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng, bị đứt gãy trong suốt 2 tháng qua (xuất khẩu tháng 8 giảm 1.7%, trong khi xuất khẩu tháng 8 của các quốc gia trong khu vực đều tăng trưởng 2 chữ số). Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá,… do vậy, Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này.
Trong tháng 10, thị trường sẽ chào đón thêm một quỹ ETF nội là IPAAM VN100 ETF (Mã FUEIP100) chính thức niêm yết từ ngày 12/10. Quy mô của quỹ còn khá nhỏ với giá trị IPO 52 tỷ đồng nên mức tác động lên thị trường là không nhiều.
Dòng tiền cổ phiếu vào thị trường mới nổi cải thiện
Cũng theo báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu của SSI Research, nhiều sự kiện diễn ra trong tháng 9 khiến tâm lý thị trường chung bị ảnh hưởng tương đối mạnh, trong đó phải kể đến Fed báo hiệu sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng trong thời gian tới, nguy cơ Mỹ đóng cửa Chính phủ, sự kiện Evergrande (HK:3333), cũng như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đột ngột khiến cổ phiếu thị trường Mỹ đi xuống. Dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu chậm lại trong tháng 9 (chỉ +48.7 tỷ USD, giảm 38% so với tháng trước) và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Đáng chú ý, tuần thứ 3 của tháng 9 ghi nhận mức rút ròng kỷ lục lên tới 23.5 tỷ USD từ dòng vốn cổ phiếu vào thị trường phát triển - mức rút ròng đầu tiên sau 40 tuần mua ròng liên tục. Dòng vốn vào thị trường trái phiếu cũng giảm nhiệt với mức giảm 23.2% so với tháng trước.
Định giá của các thị trường mới nổi hiện đang thấp hơn tương đối so với các thị trường phát triển và tiếp tục kích hoạt dòng vốn vào thị trường này. Cụ thể, dòng vốn trong tháng 9 là 9.4 tỷ USD, tăng 19% so với tháng 8 và là tháng mua ròng thứ 3 liên tiếp. Đáng chú ý là dòng vốn vào thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 9 (10 tỷ USD, tăng gấp 3 so với tháng trước) - khi định giá của thị trường này đang tương đối hấp dẫn.
Rủi ro chính trị đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh và kích hoạt dòng tiền từ các quỹ ETF.
Các chuyên gia phân tích cũng quan sát thấy dòng vốn cổ phiếu vào thị trường mới nổi có sự phân hóa khá mạnh trong tháng 9. Khác với giai đoạn trước đó, dòng vốn tập trung vào các nước có thế mạnh xuất khẩu hàng điện tử như Hàn Quốc, Đài Loan, trong tháng 9, dòng tiền tập trung vào các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu hàng nguyên vật liệu thô như Ấn Độ, Indonesia. Cả Ấn Độ và Indonesia đều ghi nhận bơm ròng từ các quỹ ETF và quỹ chủ động trong tháng 9, trong khi thị trường Hàn Quốc và Đài Loan bị bán ròng tương đối mạnh (-521 và -438 tỷ USD).
Nhìn chung, sau thời gian thị trường cổ phiếu toàn cầu giảm tương đối mạnh vừa qua (S&P 500 giảm 5% từ đỉnh, MSCI EM giảm 13.3% từ đỉnh), sức hấp dẫn của dòng vốn vào cổ phiếu đã phần nào hồi phục.
Duy Na