Vietstock - Chuyên gia FIDT: TTCK sẽ được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng trong năm 2024
Tại Tọa đàm đầu tư “2024 – Đi lên từ chân sóng” diễn ra sáng ngày 16/12, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT đã có những phân tích về hành động của khối ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023, đồng thời đánh giá về triển vọng của thị trường năm 2024.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT phát biểu tại Tọa đàm đầu tư "2024 - Đi lên từ chân sóng" sáng 16/12. Ảnh: KN
|
Ông nhận định trong 4 tháng gần nhất cuối năm 2023, TTCK đang có “cú gồng” khá tốt bởi dòng tiền nội. Ngay sau khi có sự đảo chiều chính sách từ tháng 4, dòng vốn rẻ bắt đầu ra thị trường.
Vị chuyên gia suy xét trong 4 nhóm tài sản có thể hút dòng vốn nói trên. Đầu tiên là chứng khoán, gồm chứng khoán vốn là cổ phiếu và chứng khoán nợ là trái phiếu. "Nhưng thị trường trái phiếu thì chúng ta đã biết nó chua như thế nào rồi", ông nói.
Tiếp theo là bất động sản, giá quá cao, đó là câu chuyện của các nhà đầu tư lớn, còn cá nhân rất khó tham dự; và cuối cùng là thị trường hàng hóa (chẳng hạn như vàng). Qua đó thấy rằng, dòng tiền nội được hút vào thị trường cổ phiếu và cân bằng với lực bán của ngoại khối.
Sau đó, ông phân tích về 4 thực thể tham gia trên TTCK gồm nhà đầu tư cá nhân, các quỹ ETF (mô phỏng bị động theo một rổ chỉ số), các quỹ chủ động và khối tự doanh.
“Các quỹ chủ động trong 2 năm, tính từ 03/2022 đến giờ, họ có hiệu suất rất thấp”, ông cho biết, “và trong bối cảnh các quỹ chủ động này đầu tư vào TTCK Việt Nam sẽ có sự so sánh hiệu suất với các thị trường khác nhau”. Khi các quỹ này có hiệu suất âm từ 25-30% hoặc hơn thế, thì nhà đầu tư sẽ muốnrút riền ra khỏi quỹ đó và những quỹ hàng tỷ USD muốn rút cũng phải cần có thời gian khoảng 1-2 quý để tất toán các khoản đầu tư. Ông Tuấn cho rằng tháng 12 này là tháng cuối cùng để ra quyết định tất toán nên cường độ bán rất mạnh.
Đối với các ETF, ông Tuấn cho biết các quỹ này đầu tư bị động và mô phỏng chỉ số. Vấn đề các nhà đầu tư Thái Lan rút đầu tư bởi vấn đề thuế đầu tư, chuyên gia từ FIDT đánh giá tác động tương đối nhỏ, chứng chỉ hoán đổi ETF của DC rút không nhiều. Chưa kể, quỹ Fubon cũng quay trở lại thị trường. “Khi các ETF đang thấy tổng định giá của thị trường Việt Nam đang ở mức hấp dẫn, thì các quỹ này trở lại”, ông nói.
Fed cũng vừa có thông điệp sẽ giảm từ 3-4 lần giảm lãi suất 2024, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam. “Lúc đầu chúng tôi dự tính chỉ khoảng 2 quý trong năm 2024, nhưng giờ tự tin hơn, cả năm 2024 sẽ có môi trường nới lỏng về tiền tệ và chính sách để hỗ trợ cho nền kinh tế”, ông nhận định.
Hiện tại, có nhiều tín hiệu tích cực, ngành có nhiều chi phí và biên lợi nhuận thấp nhất là dệt may cũng đã tuyển dụng trở lại. Đó là sự kỳ vọng đi trước, nhưng sự đi trước dựa trên những yếu tố nội tại của nền kinh tế nếu không sẽ thành đầu cơ theo dòng tiền.
Nguồn: Tài liệu tọa đàm
|
“Tôi khẳng định trong năm 2024, chúng ta có dư địa về chính sách tiền tệ nới lỏng và giá rẻ để hỗ trợ nền kinh tế, mà cửa hưởng lợi trực tiếp của dòng tiền này là TTCK”, ông Tuấn khẳng định, “dựa trên nền tảng vĩ mô từ Fed, duy trì bắt đầu chính sách nới lỏng và cắt giảm”.
Một yếu tố khác là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ gia tăng mua ròng ngoại tệ dựa trên dòng USD nhảy vào Việt Nam như xuất khẩu thặng dư, gia tăng FDI và FII. Câu chuyện mua ròng ngoại tệ này sẽ có tác dụng lớn hơn bơm tiền, vì hệ số lan tỏa của vấn đề này rất tốt.
Kha Nguyễn