VCCI: Đánh thuế cổ tức bằng cổ phiếu khi chưa có thu nhập thực tế là chưa hợp lý
Investing.com - Thanh khoản hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi phiên giao dịch thời gian qua cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, để không chỉ là “kênh đầu tư nóng” mà trở thành nền tảng vốn dài hạn cho nền kinh tế, thị trường cần một cuộc cải cách toàn diện, tập trung vào chất lượng hàng hóa, thu hút dòng tiền bền vững và khung chính sách – đặc biệt là chính sách thuế – đủ sức nuôi dưỡng sự phát triển lâu dài.
Cần tăng chất lượng doanh nghiệp niêm yết
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam, cho rằng sức hấp dẫn của thị trường bắt đầu từ chất lượng các doanh nghiệp niêm yết. Theo ông, không thể kỳ vọng một thị trường lành mạnh nếu tăng trưởng chỉ dựa trên các “game” đầu cơ hay sự lên xuống của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn.
Một thị trường vững mạnh cần sự hiện diện của các doanh nghiệp đầu ngành, có quy mô, khả năng minh bạch cao và tuân thủ chuẩn mực quản trị tốt. Do đó, việc thu hút các tập đoàn lớn – đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, AI, thương mại điện tử… – tham gia niêm yết là chiến lược quan trọng. Bên cạnh đó, quy trình niêm yết cũng cần đơn giản, minh bạch hơn để khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tham gia thị trường.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp lớn không mặn mà lên sàn do dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng với chi phí thấp, lại ít bị ràng buộc về minh bạch. Tình trạng này khiến thị trường vốn mất cân đối, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi quá nhiều doanh nghiệp lệ thuộc vào tín dụng.
Theo đó, cần có quy định rõ ràng: các doanh nghiệp muốn vay vốn lớn, tiếp cận ưu đãi tín dụng từ ngân hàng nên đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch tài chính như công bố báo cáo kiểm toán, báo cáo định kỳ… Đồng thời, có thể xem xét giới hạn tỉ lệ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp chưa niêm yết, từ đó thúc đẩy xu hướng huy động vốn qua kênh chứng khoán.
Một động lực khác để tăng "hàng hóa chất lượng" là đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp lớn đã và sắp niêm yết. Tuy nhiên, thực tế nhiều kế hoạch liên quan đến các tên tuổi lớn như FPT (HM:FPT), Vinamilk (HM:VNM), Sabeco (HM:SAB), Vietnam Airlines (HN:HVN)... dù nhiều lần được công bố nhưng vẫn dừng lại ở mức chủ trương.
Cần chính sách thuế khuyến khích đầu tư dài hạn
Các chuyên gia cho rằng nếu muốn phát triển thị trường vốn theo chiều sâu và bền vững, cần xây dựng chính sách thuế công bằng, ổn định và khuyến khích đầu tư dài hạn thay vì đầu cơ. Tuy nhiên, đề xuất gần đây của Bộ Tài chính về việc áp thuế 20% trên lợi nhuận đầu tư chứng khoán với nhà đầu tư cá nhân đang gây nhiều tranh cãi.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam – cho rằng mức thuế 20% cố định cho mọi giao dịch là chưa hợp lý. Thay vào đó, nên phân loại theo thời gian nắm giữ cổ phiếu, từ đó khuyến khích đầu tư dài hạn và hạn chế lướt sóng. Ông viện dẫn thị trường Mỹ – nơi thuế chuyển nhượng chứng khoán được đánh theo lãi ròng, phụ thuộc vào thời gian giữ cổ phiếu và thu nhập. Mỹ cũng cho phép bù trừ lỗ (capital loss deduction), giúp nhà đầu tư giảm nghĩa vụ thuế nếu có giao dịch lỗ, phần còn lại được chuyển sang các năm tiếp theo.
Ông Đặng Trần Phục cũng đồng tình, cho rằng chính sách thuế cần được phân loại rõ ràng theo mục tiêu đầu tư, thời gian nắm giữ và quy mô giao dịch. Mục tiêu là vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, vừa tạo tâm lý an tâm và động lực giữ vốn dài hạn trên thị trường.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cá nhân bày tỏ lo ngại rằng nếu phải tự tổng hợp giao dịch, chuẩn bị chứng từ và kê khai thuế đúng hạn, thì thời gian, chi phí và rủi ro pháp lý có thể vượt quá cả số tiền thuế phải nộp. Một nhà đầu tư lâu năm cảnh báo, điều này có thể làm suy giảm đáng kể động lực tham gia thị trường một cách chính thức và bền vững.