Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra. Ngày 31/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với báo chí về một số kết quả trong công tác điều hành chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế năm 2023. Theo Bộ trưởng, trong năm, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến các chính sách hỗ trợ trong năm 2023. Trong đó, có các chính sách về gia hạn, miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí...
Đối với thị trường tài chính nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết TTCK mặc dù đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chính trị thế giới, TTCK Việt Nam vẫn cho thấy vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Tổng mức huy động vốn qua TTCK năm 2023 có sự tăng trưởng cả về giá trị đăng ký phát hành và giá trị thực tế phát hành so với năm 2022. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tính đến ngày 30/11, tổng giá trị đăng ký phát hành cổ phiếu và trái phiếu qua Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đạt 103.697 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ; tổng giá trị thực tế phát hành đạt 77.362 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
"Dư địa huy động vốn của doanh nghiệp qua TTCK vẫn còn lớn. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo UBCKNN rà soát tổng thể khung pháp lý về TTCK để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường TPDN, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả. "Các chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn", ông Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường thanh tra, giám sát, đẩy mạnh việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa thị trường. "Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi, doanh nghiệp tăng nhu cầu tiếp cận vốn để đầu tư, việc phát triển thị trường TPDN là rất cần thiết để cung ứng nguồn vốn dài hạn, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, với quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự vào cuộc chung tay của các doanh nghiệp, người dân, thị trường bảo hiểm, chứng khoán, TPDN còn nhiều dư địa phát triển, sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong trung và dài hạn.
>> 'Go live' KRX, thị trường chứng khoán có thể đón nguồn vốn lên tới 10 tỷ USD