Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông, hệ thống đường sắt hiện nay quá lạc hậu; thiết bị, kỹ thuật hao mòn, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân. Những vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra trong thời gian qua là hệ quả của công nghệ lạc hậu.
Trước thực trạng trên, trong báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 113 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5 Quốc hội khóa XIV của Bộ GTVT vừa hoàn thành, có nêu nội dung quan trọng về phương án đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam.
Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cải tiến, nâng cao năng lực vận tải, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành hành khách, hàng hóa của nhân dân.Các phương án cải tiến tập trung vào công tác điều hành tổ chức chạy tàu, áp dụng khoa học công nghệ mới vào công tác tổ chức chạy tàu; nâng cao năng lực phương tiện đầu máy, phương tiện toa xe khách, toa xe hàng; đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Chú thích: Những toa tàu cũ kỹ và lạc hậu. Nguồn ảnh: Minh Quân
|
Theo Bộ GTVT, những năm gần đây, phương án đầu tư phát triển vận tải đường sắt bảo đảm an toàn, hiệu quả còn nhiều hạn chế, do thiếu nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, khả năng thu hút đầu tư thông qua hình thức xã hội hóa để phát triển đường sắt chưa được các nhà đầu tư quan tâm do lợi thế thương mại thấp.
Đồng thời, nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng hàng năm để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có cũng không đáp ứng được so với nhu cầu thực tế (chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với nhu cầu), nên kết cấu hạ tầng đường sắt Việt Nam hiện đang trong tình trạng yếu kém, lạc hậu.
Chính vì vậy, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất nhu cầu vốn dự kiến khoảng 120,000 tỉ đồng, để cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có.
"Với nguồn vốn bố trí hạn chế nêu trên, các mục tiêu tối thiểu theo Nghị quyết 13 của Trung ương và Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt trong giai đoạn đến 2020 gặp rất nhiều khó khăn", báo cáo của Bộ GTVT nêu.
Trước những khó khăn trên, Bộ GTVT cho rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 52 năm 2017, trong đó có chủ trương sử dụng 7,000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho 4 dự án đường sắt quan trọng trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đồng thời, từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến (từ 3.6 tấn/m lên 4.2 tấn/m); tăng cường năng lực thông qua (dự kiến từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm) trên trục đường sắt Bắc - Nam.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai Quyết định 995 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, sẽ rà soát lại thực trạng hạ tầng kết cấu hạ tầng đường sắt, lập và phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt cũng là cơ sở thực hiện đầu tư, phát triển hạ tầng vận tải đường sắt trong tương lai. |
Cường Ngô